Đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời gian gần đây tình hình cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của người dân đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước nói chung và tại Thủ đô Hà Nội nói riêng. Do đó, mỗi người dân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp, hợp tác xã khi tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phải đặt vấn đề bảo đảm PCCC lên hàng đầu.

Việc đáp ứng điều kiện PCCC phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, quy mô kinh doanh theo quy định tại Phụ lục I Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và Phụ lục II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ quy định tại Điều 3 ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng việc cấp phép đủ điều kiện PCCC cho cơ sở phụ thuộc vào quy mô kinh doanh. Cụ thể, theo điều 5 Nghị định 136/2020 và Nghị định 50/2024/NĐ-CP thì cơ sở phải đáp ứng 1 số điều kiện:

- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp trạm biến áp được vận hành tự động;

- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.

Nếu cơ sở kinh doanh không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC cứu nạn cứu hộ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm. Mỗi hành vi vi phạm sẽ có mức xử lý khác nhau. Ví dụ theo điều 44 Vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến mức cao nhất là 1.500.000 đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm: Hiện nay, pháp luật mới quy định chế tài xử lý cũng như biện pháp khắc phục hậu quả là tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở có hành vi vi phạm PCCC mà không có chế tài cưỡng chế. Vì thế dẫn tới việc một số cơ sở kinh doanh như Nhà sách Tiến Thọ ở số 424-426 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã có quyết định về việc đình chỉ hoạt động từ ngày 23/1/2024 nhưng vẫn mở cửa đến ngày 21/5 để đón khách.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng với phóng viên VOV2: