Trong suốt thời gian dài vừa qua, Nguyễn Phương Hằng liên tục phát trực tiếp lên mạng xã hội để "bóc phốt" rất nhiều nghệ sĩ và cho rằng họ ăn chặn tiền từ thiện. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã có kết luận, những cáo buộc đó không đủ căn cứ để khởi tố vụ án.
Trước đây, sau những phiên live "bóc phốt" với những từ ngữ được cho là có phần lộng ngôn, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao bà chủ Đại Nam có thể làm những việc này mà không bị cấm chế. Để trả lời cho câu hỏi này, tối 24/3, Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật hình sự (BLHS).
Các Quyết định và Lệnh bắt giữ đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc công ty luật Hoàng Sa, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Điều 25 Hiến pháp năm 2015 ghi nhận: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Tuy nhiên, không thể dựa vào sự ghi nhận của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận để thực hiện những hành vi, lời nói đi quá giới hạn cho phép, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bởi Điều 21 Hiến pháp năm 2015 cũng đồng thời ghi nhận về sự bảo đảm các lợi ích khác của cá nhân, tổ chức như quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của mình.
Công dân có quyền tự do trong việc có quan điểm, bày tỏ quan điểm. tìm kiếm, tiếp cận thông tin nhưng phải trong khuôn khổ được pháp luật quy định và phù hợp với các quy chuẩn về đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc. Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.
Ngoài quy định trong Hiến pháp năm 2015 thì quyền tự do ngôn luận cũng được quy định trong các đạo luật như Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật Hình sự...
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): việc Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là điều đã được dự báo. Trước đó đã có nhiều người tố cáo việc livestream trên mạng xã hội của Nguyễn Phương Hằng. Điều đáng chú ý là nội dung trong các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng luôn có dấu hiệu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận khi liên tục chửi bới, xúc phạm đến nhiều người và đưa ra rất nhiều thông tin chủ quan, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực mang tính chất đấu tố người khác.
Pháp luật không hạn chế quyền tố cáo của công dân. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thì ai cũng có quyền tố cáo, tố giác và cung cấp chứng cứ cho cơ quan chức năng.
Việc tố cáo, tố giác phải thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Nếu lợi dụng tố cáo để đấu tố, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết: Theo điều 331, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,cá nhân như sau:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, đối với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,cá nhân thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.
Điều đáng nói, vụ án này không chỉ một mình Nguyễn Phương Hằng thực hiện mà đằng sau đó còn cả một đội ngũ tư vấn, hỗ trợ để tham gia cùng trên mạng xã hội. Vậy tình huống pháp lý đưa ra, liệu nhóm người hỗ trợ có thể bị coi là đồng phạm? Ngoài việc xử lý với Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của những người khác.
Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra. Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 6 đơn tố giác Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cồ phần Đại Nam ở phường Hiệp An, TP. Thủ Dầu Một) của các cá nhân: ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), ông Lê Công Vinh (cầu thủ Công Vinh), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên), nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan (cùng ngụ TP.HCM).
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã phân công cho các đơn vị liên quan tiến hành xác minh.
Hình ảnh của công ty Đại Nam và vị thế của Nguyễn Phương Hằng thay đổi ra sao sau khi Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho rằng: Thời gian đầu Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng hiệu quả sức ảnh hưởng của mình để cho chúng ta nhìn nhận lại thực trạng của các hoạt động từ thiện. Nhờ đó mà số tiền cứu trợ lũ lụt còn nằm trong tài khoản của một số cá nhân đã được đến tay người dân. Và cũng nhờ đó mà chúng ta biết những vấn đề nhức nhối đang diễn ra tại tịnh thất Bồng Lai.
Tuy nhiên, về sau Nguyễn Phương Hằng đi quá đà khi đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Trường hợp Nguyễn Phương Hằng vừa là Tổng Giám đốc vừa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì Hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm một Tổng Giám đốc khác trong thời gian tới, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể: Đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Hiện nay Nguyễn Phương Hằng vẫn chưa được xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là việc Nguyễn Phương Hằng bị bắt sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp về mặt hình ảnh; có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch, quá trình phát triển công ty trong tương lai...