Gần 300 trẻ ở hơn 20 quốc gia bị mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Khoảng 10% trong số đó phải ghép gan. Tuy chưa có ca bệnh nào được ghi nhận trong phạm vi cả nước, nhưng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Cùng với đó, phải báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.

BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho biết: các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên đều có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao. Hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính như virus viêm gan A, B, C, D và E.

Hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno. Adenovirus thường được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp, viêm kết mạc hoặc rối loạn tiêu hóa. Đây là bệnh thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Nhưng tại sao có một số em bé mắc? Theo bác sĩ Quy, các ca mắc adenovirus cũng có thể bùng phát trở lại sau khi những đợt phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 khiến virus này không lây lan được trong vài năm. Thêm nữa do cơ địa của trẻ, trẻ có bệnh lý chuyển hóa làm cho gan yếu hoặc trẻ bị viêm gan B sẵn.

Một kịch bản khác là adenovirus có thể đã phát triển thành một chủng mới và nguy hiểm hơn. Các yếu tố môi trường cũng được xem xét, như sự hiện diện của động vật trong nhà. Các nhà khoa học cũng đang tìm hiểu xem liệu những mầm bệnh khác, như Covid-19, có thể đóng vai trò nào đó hay không.

Tuy nhiên, cũng theo BS Dư Tuấn Quy, các báo cáo hiện nay cho thấy không có bằng chứng về mối liên hệ giữa Covid-19 hoặc vaccine ngừa Covid-19 đến các ca viêm gan bí ẩn gần đây.

Hiện các nước châu Á đã có một số ca bệnh được báo cáo như Indonesia có 3 ca tử vong; Singapore đã ghi nhận 1 ca là trẻ 10 tháng tuổi. Vì thế việc loại trừ khả năng xuất hiện bệnh ở trong nước hầu như là không thể. Thế nhưng, các đơn vị y tế trong nước đều có khả năng điều trị adenovirus – BS Quy chia sẻ.

Triệu chứng nghi ngờ liên quan như: trẻ có sốt, mệt mỏi, vàng da, có tiêu chảy, nôn, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế tuyến đầu. Nếu có tổn thương gan kèm theo, các bé bị bệnh cần được các bác sĩ chuyên khoa điều trị hỗ trợ và giám sát cũng như đánh giá mức độ bệnh. Nếu bệnh nặng sẽ phải chuyển đến trung tâm y tế chuyên sâu; nếu bệnh nhẹ có thể điều trị tại cơ sở y tế địa phương.

Do nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính vẫn chưa rõ nên ngành y tế vẫn chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu.

Adenovirus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp hoặc bề mặt đồ vật có dính virus. Vì thế trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, việc phòng bệnh cần tuân thủ nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, đảm bảo nguồn nước sạch. Không dùng chung các vật dụng vì đó có thể là đường lây truyền – BS Quy khuyến cáo.