Chia sẻ về chiến lược “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng”, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là một chiến lược chủ động, giúp ngăn chặn, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, để chăm sóc, bảo vệ tốt hơn sức khỏe và sự an toàn của người bệnh; đồng thời giúp giảm tải áp lực điều trị, tối ưu hóa nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị tập trung cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch giúp làm tăng thêm khả năng cứu sống bệnh nhân.
Theo chiến lược này, 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức từ BV Chợ Rẫy sẽ trực tiếp “cắm chốt” tại 4 bệnh viện ở tầng thứ 2 bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện Bình Chánh và Bệnh viện Cần Giờ để cùng theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ của các bệnh nhân. Nếu có dấu hiệu chuyển nặng sẽ nhanh chóng được hội chẩn trực tuyến, đánh giá và lập tức chuyển đến “tầng” điều trị phù hợp.
“Với sự phối hợp của các nhân sự tại các bệnh viện cấp độ 2, hệ thống hội chẩn trực tuyến cùng hệ thống đường dây nóng được thiết lập tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được phụ trách bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm về hồi sức như BSCKII Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy), TS.BS Nguyễn Hoàng Hải (BV Nhân dân Gia Định), TS.BS Đỗ Quốc Huy (BV Nhân dân 115). Bất cứ khi nào bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, các chuyên gia sẽ tiến hành hội chẩn trực tuyến.

"Sau khi hội chẩn nếu xác định các trường hợp bệnh nhân có nhiều khả năng chuyển biến nặng thì lập tức sẽ được chuyển về Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho thở oxy dòng cao, chủ động hạn chế tối đa nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng", TS.BS Nguyễn Trí Thức chia sẻ thêm.

Được biết, nếu được kịp thời thở oxy dòng cao chủ động, khoảng 70% trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng sẽ chuyển về độ nhẹ. Do đó,việc phát hiện sớm đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngăn ngừa bệnh nhân chuyển nặng.

Bên cạnh việc đánh chặn từ xa, bệnh viện hồi sức Covid-19 còn có sự trao đổi, hội chẩn, điều phối, chuẩn bị phù hợp trong quá trình chuyển bệnh nhân giữa các tuyến điều trị, giúp cho việc chỉ định chuyển bệnh phù hợp hơn, hạn chế nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng trong quá trình di chuyển. Đối với bệnh viện tiếp nhận cũng sẽ có sự chuẩn bị điều kiện, trang thiết bị, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân cho nhân viên y tế.

Chiến lược “tháp 3 tầng” trong điều trị lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh trong thời gian ngắn đã tạo áp lực rất lớn cho việc tiếp nhận và điều trị các ca bệnh; Song song là yêu cầu đáp ứng điều trị được cả các ca bệnh diễn biến nặng.

Trong làn sóng dịch COVID-19 tại TP.HCM ở thời điểm hiện tại, số ca mắc mới được ghi nhận ở mức 4 con số mỗi ngày, áp lực điều trị lại càng lớn, mô hình điều trị “tháp 4 tầng” đã ra đời với sự bổ sung tầng hồi sức tích cực để tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Đây là bước đi kịp thời và phù hợp với tình tình thực tế. Dựa trên mô hình “tháp 4 tầng” trong điều trị COVID-19 cùng các kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, bác sĩ đã tiến xa hơn một bước trong cuộc chiến chống dịch với chiến lược “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng”.