Dây thần kinh liên sườn gồm 12 cặp, có nguồn gốc từ đoạn tủy ngực từ D1 đến D12. Sau khi tách khỏi rễ chung, dây thần kinh liên sườn cùng với mạch máu tạo thành bó mạch - thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi xương sườn. Vì mối liên quan như vậy nên các bệnh lý của tủy sống, cột sống, xương sườn và thành ngực đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh liên sườn. Khi thao tác hoặc thực hiện thủ thuật can thiệp ở vùng ngực, bó mạch gian sườn luôn được lưu ý để tránh gây tổn thương.

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Quân – Phó trưởng khoa Nội thần kinh - BV Trung ương Quân đội 108, nguyên nhân gây ra tình trạng đau dây thần kinh liên sườn khá đa dạng, thay đổi tùy theo lứa tuổi, giới tính và công việc của người bệnh. Tình trạng đau có thể xuất hiện do các bệnh lý ở vùng ngực trước và sau như: thoái hóa đốt sống ngực, ung thư đốt sống, lao cột sống ngực, u tủy, viêm đa dây thần kinh, bệnh lý toàn thân khác như đái tháo đường, nhiễm khuẩn...

Người bệnh có thể thấy đau giật một bên, đau từ trước ngực lan theo mạn sườn ra phía sau cạnh cột sống, đau nhiều nếu ho, thay đổi tư thế, hít thở sâu, vận động hoặc ấn, sờ vào kẽ xương sườn. Ngoài ra, đau do zona liên sườn do virus tấn công vào dây thần kinh sẽ có biểu hiện đau ban đầu, sau đó phát ban đỏ, mọc mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn, cuối cùng xuất hiện ban da từ cột sống tới xương ức. Người bệnh cũng có thể bị sốt về chiều, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi,xuất hiện vảy khô, khi bong gây ngứa rát, để lại sẹo khô.

Đau dây thần kinh liên sườn là căn bệnh ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nên cần điều trị kịp thời và dứt điểm. Việc uống thuốc giảm đau được phối hợp điều trị đau dây thần kinh liên sườn, tuy nhiên nhiều người lo lắng về phản ứng phụ của thuốc. BS Nguyễn Hồng Quân cho rằng: “Các phản ứng không mong muốn của thuốc giảm đau là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, quá trình điều trị diễn ra trong vài ngày nên những tác động không mong muốn của thuốc là không đáng kể”.

"Người bệnh không nên lạm dụng nhóm thuốc vitamin B trong phòng và điều trị đau dây thần kinh liên sườn bởi cho dù là thuốc bổ nếu dùng nhiều cũng có thể gây hại cho cơ thể”- BS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Đối với đau dây thần kinh liên sườn mức độ nhẹ và ngắn ngày, các cơn đau có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi lại, lao động, sinh hoạt. Bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn nhẹ cần khám chẩn đoán bệnh chính xác, sau đó dùng thuốc kết hợp một số phương pháp như massage, bấm huyệt... để sớm điều trị khỏi.

Tình trạng đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể là biến chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, vì vậy, nếu không can thiệp điều trị kịp thời có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Theo BS Quân, người bệnh nên đến khám chuyên khoa thần kinh tại các cơ sở y tế khi thấy các dấu hiệu đau bất thường, tê, giật ở vùng ngực, mạn sườn. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý điều trị theo kinh nghiệm truyền miệng, tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Tránh vận động nặng, sai tư thế, cần ăn uống đủ chất tăng hệ miễn dịch. Phụ nữ sau tuổi 50 cũng nên đặc biệt lưu ý đến sức khỏe bởi ở độ tuổi này, phụ nữ có nguy cơ bị mắc chứng đau liên sườn nhiều hơn nam giới.