Ung thư tuyến giáp được coi là một trong những bệnh ung thư có tiên lượng tốt nhất hiện nay nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân vẫn rất lo lắng khi có chỉ định phẫu thuật, bởi vùng cổ là khu vực nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến giọng nói, chức năng nội tiết và yếu tố thẩm mỹ.

Nhằm xua tan nỗi lo này, những năm gần đây, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp qua đường miệng đã được triển khai tại Việt Nam, mang đến lựa chọn điều trị hiện đại, an toàn và có tính thẩm mỹ cao cho người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trước đây, phẫu thuật tuyến giáp chủ yếu áp dụng phương pháp mổ mở truyền thống. Bác sĩ phải rạch một đường dài ở vùng cổ để bóc tách và cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, đồng thời nạo vét hạch nếu cần thiết. Phương pháp này có hiệu quả điều trị cao nhưng để lại nhiều hạn chế.

“Vết mổ dài sẽ để lại sẹo rõ trên cổ, dễ khiến người bệnh, nhất là phụ nữ và người trẻ, mất tự tin. Vùng cổ chứa nhiều dây thần kinh quan trọng, đặc biệt là dây thần kinh thanh quản – yếu tố quyết định giọng nói. Nếu thao tác không chuẩn xác, bệnh nhân có thể bị khàn tiếng, mất tiếng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Ngoài ra, sẹo mổ dễ dính, gây cảm giác vướng víu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hậu chia sẻ.

Nhằm khắc phục những hạn chế này, từ năm 2018, phương pháp mổ nội soi qua đường miệng đã được ứng dụng tại một số bệnh viện lớn. Thay vì rạch một đường lớn ở cổ, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nội soi qua đường sau môi dưới, đi xuống vùng cằm rồi tiếp cận tuyến giáp. Hình ảnh camera phóng đại giúp phẫu thuật viên quan sát rõ ràng khối u, cắt bỏ triệt để mà vẫn hạn chế tối đa tổn thương mô xung quanh. Đây được đánh giá là kỹ thuật khó bậc nhất trong phẫu thuật nội soi tuyến giáp hiện nay.

“Phẫu thuật nội soi qua đường miệng giúp tránh sẹo cổ, mang lại yếu tố thẩm mỹ tối ưu. Kỹ thuật này ít xâm lấn vào lớp cơ dưới da, hạn chế nguy cơ tổn thương dây thanh quản và tuyến cận giáp. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường chỉ sau khoảng 6 giờ và thường được xuất viện sau 24 giờ, trong khi với mổ mở, thời gian nằm viện thường từ 3–5 ngày”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hậu cho biết thêm.

Phẫu thuật nội soi qua đường miệng thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm, kích thước khối u nhỏ, chưa di căn xa. Chị Lê Thị Dung (Phú Thọ) là một trong những bệnh nhân đã lựa chọn phương pháp này và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

"Chỉ sau một ngày, tôi đã có thể về nhà và sức khỏe hiện rất ổn định. Tôi chỉ cần tái khám định kỳ 3–6 tháng một lần. Điều khiến tôi hài lòng nhất là không để lại sẹo trên cổ”, chị Dung chia sẻ.

Theo các chuyên gia, ung thư tuyến giáp thường tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng rõ rệt. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Xuân Hậu khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ từ 40–60 tuổi là nhóm có tỷ lệ mắc cao nên siêu âm tuyến giáp định kỳ mỗi năm. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn sẽ giúp giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng tâm lý và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh./.