Theo thống kê của các Trung tâm tim mạch trong cả nước, vào mùa đông, đặc biệt là những ngày lạnh sâu ở miền Bắc, những nơi nhiệt độ xuống dưới 10 độ, số bệnh nhân phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch tăng đột biến. Mỗi ngày, các trung tâm tim mạch lớn tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó. Theo kết quả nghiên cứu của Hội tim mạch học Mỹ (ACC), hơn 50% những cơn đau tim xảy ra vào mùa đông và tỷ lệ tử vong về bệnh tim mạch cao nhất trong hai tháng 12 và tháng 1 là những tháng lạnh nhất trong năm. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Anh cho thấy, khi nhiệt độ trung bình hằng ngày giảm 10 độ C, nguy cơ đau tim tăng 2% trong khoảng thời gian 28 ngày.

Thời tiết lạnh, đặc biệt tác động tiêu cực tới trái tim do cơ chế tự bảo vệ bằng cách tăng huyết áp và nhịp tim để giữ cho cơ thể ấm áp. Hơn nữa, thời tiết lạnh khiến một số thành phần trong máu thay đổi nồng độ làm tăng nguy cơ đông máu. Đặc biệt, người cao tuổi có nguy cơ cao hơn với tất cả các biến chứng của bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, hạn chế các cơn đau tim, Ths.BS Lê Anh Tuấn - Viện Tim mạch Việt Nam khuyến cáo:

Việc giữ ấm trong mùa lạnh cần thực hiện theo nguyên tắc: Mặc đủ ấm để ngăn ngừa hạ thân nhiệt. Che đầu và cổ bằng cách sử dụng khăn quàng cổ, mũ len khi đi ra ngoài trời lạnh tránh gây co mạch ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động hệ tim mạch.

Vào buổi sáng mới ngủ dậy cần đặc biệt chú ý, không để cơ thể nhiễm lạnh, nên khởi động mát xa nhẹ nhàng trước khi ra khỏi giường. Không nên ra ngoài trời lạnh vào buổi sáng. Phòng tránh các bệnh hô hấp, cảm cúm vì có thể gây hại cho tim mạch.

Dinh dưỡng khoa học, uống đủ nước. Không uống cà phê hay hút thuốc trong vòng 1 giờ trước khi làm việc nặng vì có thể làm tăng nhịp tim.

Dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Duy trì tập thể dục đều đặn trong những ngày trời lạnh, có thể tập vận động nhẹ nhàng, phù hợp trong nhà kín gió.

Đo huyết áp hằng ngày, phòng tránh tăng huyết áp, tuân thủ điều trị và uống thuốc đầy đủ.

Nếu có những dấu hiệu của một biến cố tim mạch như chóng mặt, đau ngực và khó thở. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.