Dự án xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (Phái đoàn EU) tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) từ năm 2019 với mục tiêu thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của từng địa phương, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế du lịch.

Năm 2019, Bộ Chỉ số VTCI 2019 đã được công bố tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam với kết quả đánh giá thí điểm trên 5 điểm đến gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Năm 2020 - 2021, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch trên phạm vi 15 tỉnh, thành phố, và sẽ bàn giao Bộ chỉ số VTCI cho Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) từ đầu năm 2022 để tiếp tục phát triển, vận hành, nhằm tạo dựng một kênh đánh giá khách quan, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Ông Kai Partale - chuyên gia dự án VTCI cho biết, Bộ Chỉ số được xây dựng trên một hệ thống gồm hơn 70 chỉ số đánh giá các khía cạnh khác nhau liên quan tới năng lực cạnh tranh du lịch. Phương pháp tiếp cận của hệ thống dựa trên các chỉ số Năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Hệ thống được điều chỉnh và bổ sung các chỉ số lựa chọn phù hợp với đặc thù của Việt Nam, tạo cơ sở cho việc so sánh năng lực cạnh tranh du lịch giữa các tỉnh.

Các nhóm chỉ số để phân tích và đánh giá bao gồm môi trường kinh doanh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, mức độ ưu tiên cho lữ hành và du lịch, môi trường bền vững, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Trong số 15 địa phương thực hiện dự án, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất nhờ các chỉ số tích cực trong rất nhiều tiêu chí liên quan đến du lịch như: khả năng tiếp cận hàng không, tính bền vững về môi trường, hiệu quả trong tiếp thị và quảng bá thương hiệu để thu hút khách du lịch, chất lượng hạ tầng du lịch, mức độ an toàn và vệ sinh...

Tiếp sau Đà Nẵng là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Hai trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt đứng thứ 6 và thứ 8 trong bảng xếp hạng này. Ba địa phương đứng cuối cùng trong danh sách là Lào Cai, Bình Thuận và Cần Thơ do các chỉ số sức cạnh tranh về giá, hạ tầng dịch vụ du lịch và tài nguyên tự nhiên bị đánh giá ở mức thấp.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, đây chính là thời điểm cần thiết để phân tích và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch, đặc biệt là khi ngành du lịch đang phải trải qua những thách thức chưa có tiền lệ, điều quan trọng là phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai. Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam là công cụ quan trọng trong lộ trình phát triển.

Việc công bố kết quả Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam là bước chuẩn bị cần thiết để cả nước thúc đẩy phục hồi du lịch trong thời gian tới, nhằm tìm ra hướng đi, đề xuất và lựa chọn để mở cửa lại thị trường du lịch theo hướng thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả... Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả trên diện hẹp nên trong thời gian tới cần phải nghiên cứu bộ chỉ số của tất cả các địa phương để có cái nhìn tổng thể hơn. Trong tương lai sẽ tiếp tục nghiên cứu để có Bộ chỉ số đánh giá lại thực trạng nhằm nâng cao năng lực cải thiện lĩnh vực Du lịch cấp Quốc gia.