Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 xác định: du lịch văn hóa là ngành quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Với tiềm năng phong phú, việc khai thác văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch nước ta. Trên thực tế, du lịch chính là phương thức, là con đường mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đầu tư, khai thác phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và kiến tạo cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy du lịch nước nhà. "Để phát triển được du lịch thì phải có sản phẩm mà sản phẩm đó phải đặc trưng, có giá trị, mang tính truyền thống văn hoá lâu đời. Và trên cơ sở đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh, những sản phẩm độc đáo đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như lợi thế so sánh. Từ đó tạo ra thương hiệu, sự hấp dẫn, nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa".

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa là dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc trải dài khắp các vùng miền đất nước. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương hiện khá chậm và chưa đồng bộ. Hầu hết các địa phương mới chỉ liệt kê được sản phẩm du lịch mà chưa chỉ ra được điểm nhấn để thu hút du khách. "Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ vì ở nước ta có cái gì đó mang tính phong trào, chẳng hạn ở đây phát triển du lịch cộng đồng thì ở kia cũng phát triển du lịch cộng đồng nên các sản phẩm sẽ na ná nhau. Chính vì lý do đó nên có thể trong giai đoạn đầu tiên phát triển du lịch thì còn tạo ra một chút hấp dẫn nhưng nếu cứ duy trì tình trạng này thì tôi rất lo ngại phát triển du lịch văn hóa của chúng ta sẽ thiếu sự sáng tạo, thiếu những sản phẩm đa dạng, hấp dẫn". PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

"Tôi đánh giá cao Bình Thuận vì Năm Du lich quốc gia Bình Thuận 2023 ngoài việc nhấn mạnh Du lịch xanh, phát triển bền vững cũng đã định hướng khai thác giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là của đồng bào dân tộc trên địa bàn để phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa, nhờ vậy đã tạo ra bản sắc riêng, tác động lan tỏa không chỉ đối với văn hóa mà đối với cả kinh tế, xã hội, đến được với cộng đồng cư dân địa phương, đó là hướng đi rất đáng khuyến khích".

Phát triển du lịch thành ngành công nghiệp văn hóa sẽ biến các thành quả sáng tạo văn hóa Việt Nam thành hàng hóa, thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng của khách du lịch. Vì thế, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc định hướng, phát triển du lịch văn hóa thành một ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta từ nay đến năm 2030 nên thực hiện theo hướng bền vững.

"Tổ chức Du lịch thế giới đã khuyến cáo các quốc gia khi phát triển du lịch cần tập trung vào phát triển bền vững, ở đó có 3 yếu tố vô cùng quan trọng: bền vững về môi trường tự nhiên; bền vững về môi trường văn hóa xã hội, tức là làm sao để phát triển du lịch không ảnh hưởng đến văn hóa của địa phương, cuộc sống của người dân địa phương; bền vững về kinh tế lâu dài chứ không chỉ là lợi ích trước mắt. Phải có sự hài hòa lợi ích của 4 nhóm đối tác: khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý và người dân địa phương, giống như thông điệp mà Thủ tướng hay nói: lợi ích thì phải hài hòa, rủi ro phải chia sẻ và điều này rất đúng trong phát triển du lịch bền vững. Tôi nghĩ yếu tố bền vững phải được thực hiện xuyên suốt và ưu tiên trong phát triển du lịch giai đoạn sắp tới", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV2 và PGS.TS Bùi Hoài Sơn tại đây: