Trong thư gửi UNESCO, lãnh đạo TP. Đà Lạt đã trình bày quyết tâm, khát vọng và tiếng nói chung, thay mặt hơn 232.400 người dân thành phố Đà Lạt mong muốn nhận được sự ủng hộ của Tổ chức để có cơ hội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023. Đồng thời, cam kết sẽ tham gia tích cực, nỗ lực đóng góp vào mục tiêu chung của Mạng lưới và chương trình nghị sự phát triển bền vững của UNESCO.

Thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo của tỉnh Lâm Đồng, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và nước Việt Nam. Dù so với nhiều thành phố trong mạng lưới sáng tạo, Đà Lạt chỉ là một địa phương nhỏ với hoạt động âm nhạc còn khiêm tốn, tuy nhiên, thành phố sáng tạo không đơn thuần là một danh hiệu mà còn là chiến lược phát triển với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng bình đẳng, tạo nên bản sắc riêng biệt cho Đà Lạt.

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc 130 năm hình thành và phát triển của thành phố (1893 - 2023). Vì vậy, việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong đó đẩy mạnh công nghiệp văn hóa về âm nhạc của địa phương.

Từ năm 2021, thành phố Đà Lạt đã bắt đầu quá trình đánh giá tiền khả thi và triển khai tham vấn ý kiến nhiều bên liên quan bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, nghệ sĩ, nhạc sĩ người thực hành sáng tạo, người kinh doanh, cộng đồng sáng tạo thuộc giới trẻ, đối tượng yếu thế để xác định lĩnh vực thành phố sẽ đăng ký tham gia. Kết quả đánh giá đều đồng thuận chung, âm nhạc chính là lĩnh vực thành phố có quá trình hình thành, lịch sử phát triển, có khả năng kết hợp một cách hài hòa nhất các vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu, cảnh sắc và cả lối sống hiền hòa, thanh lịch, mến khách của con người nơi đây, sẽ là thế mạnh mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác và du lịch văn hóa, Đà Lạt đã có cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, các hoạt động, lễ hội và sự kiện văn hóa mới và đương đại đang dần tái định hình và tái tạo sức sống cho Đà Lạt trên nền cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú, có chiều sâu. Không gian văn hóa cồng chiêng tại Langbiang được hình thành nhằm bảo tồn các giá trị âm nhạc truyền thống của người dân và khai thác nguồn lực này cho phát triển ngành du lịch.