This is a modal window.
Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1/10/1914 trong một gia dình trí thức yêu nước tại làng Yên Nghĩa, thôn An Định, xã Nghĩa Lộ, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Cha của Lê Trọng Tấn có biệt danh là cụ Đồ Lê người đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Khi phong trào bị đàn áp, cụ về làng Thanh Nhàn mở lớp dạy học.
Xuất thân từ một gia đình nhà giáo, thời niên thiếu, Lê Trọng Tấn theo học trường Bưởi tại Hà Nội. Sớm được giác ngộ cách mạng nên ông tham gia Việt Minh từ năm 1944 và là ủy viên quân sự Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Hà Đông. Trong những ngày tháng khó khăn của cuộc khởi nghĩa, Lê Trọng Tấn đã xác định, muốn giành thắng lợi trong đấu tranh thì “Phải hiểu rõ đối tượng và phải có kế hoạch chỉ huy thống nhất”. Đây là bài học đầu tiên ông rút ra và có ảnh hưởng quyết định đến phong cách chỉ huy của ông. Trung tướng, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Đặng Quân Thụy nhận định: “Biết địch, biết ta là phương châm rõ nhất của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Tôi được làm việc với ông ở chiến trường miền Nam trong những năm ông là Phó chỉ huy trưởng Quân Giải phóng miền Nam. Ông quyết tâm đánh Mỹ ngay trận đầu khi Mỹ đổ bộ, tức là đánh phủ đầu vào một đội quân mạnh, không chần chừ, không run sợ, dù trước chúng ta chưa có kinh nghiệm. Nên đây phải nói là một quyết định có tình mưu lược, táo bạo, dũng cảm, biết phân tích đối phương”.

Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự, Lê Trọng Tấn được mệnh danh là “tướng trận” bởi ông luôn luôn có mặt ở những trận tuyến gai góc và quyết liệt nhất. Khi Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, từ năm 1945 đến năm 1950, ông là trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng các trung đoàn: Sơn La, Sơn Tây, quyền khu trưởng Khu XIV, khu phó Liên khu X. Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cũng cho rằng Lê Trọng Tấn được coi là “vị tướng của chiến dịch” bởi ông tham gia chỉ huy hầu hết các chiến dịch lớn như chiến dịch biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Khi Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập các đại đoàn chủ lực, ông trở thành Đại đoàn trưởng đầu tiên của đại đoàn 312 ở tuổi 36. Trong trận Điện Biên Phủ, đại đoàn 312 do ông chỉ huy đã đánh trận mở màn vào cao điểm Him Lam và kết thúc chiến dịch vào ngày 7 tháng 5 năm 1954. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lê Trọng tấn cũng có mặt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Đà Nẵng (1975). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ông cũng là người tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Sau đó, Lê Trọng Tấn được giao nhiều trọng trách trong quân đội như: Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Ông được phong Đại tướng năm 1984 khi tròn 70 tuổi.
Trung ướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho biết, khi nghiên cứu về Đại tướng Lê Trọng Tấn, ông tìm thấy những điều đặc biệt ở vị tướng lỗi lạc này: “Ông là người luôn chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên, dù là việc gì, ở đâu và lúc nào. Điều đặc biệt thứ 2 là trong cuộc đời quân ngũ của mình, tên tuổi ông luôn được gắn với những chiến công quan trọng, điều đó cho thấy tinh thần sẵn sàng trên mọi trận tuyến. Điều đặc biệt thứ 3 là ở ông có được lòng tin tuyệt đối của cấp dưới cũng như cấp trên. Ông có mặt ở đâu là mọi người ở đó yên tâm. Chỗ nào khó khăn nhất có ông cũng đều giành được thắng lợi”.

Theo nghiên cứu của Đại tá Trần Hữu Huy, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, với cương vị là tư lệnh chiến dịch giải phóng Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng, dấu ấn đặc biệt của tướng Lê Trọng Tấn trong chiến dịch này là đề xuất phương thức mới trong tác chiến, đó là phương thức “Tiến công trong hành tiến”.
Không chỉ là “thiên tài quân sự”, khi nhắc đến Đại tướng Lê Trọng Tấn, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự kính nể bởi ông là vị tướng đức độ. PGS.TS Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, người đã nghiên cứu về Đại tướng chia sẻ: “Không chỉ có tài mưu lược, Đại tướng Lê Trọng Tấn còn là vị tướng đức độ. Suốt cuộc đời ông đã tu trọn Đức Nhân với 6 chữ mà Cụ Hồ đã dạy: Nhân - Trí - Tín - Dũng - Liêm - Trung. Ông là người sống hoà đồng, trong cuộc sống đời thường không phân biệt quân hàm cao hay thấp mà chỉ có tình anh em. Đối với nhân dân, ông là người hiểu “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền là dân”, “Lấy khoan sức dân làm kế sâu rễ, bèn gốc” của các bậc tiền nhân xưa. Ông luôn giáo dục bộ đội tôn trọng nhân dân. Không chỉ với nhân dân trong nước, khi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, Campuchia… ông đã xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ tình nguyện. Ông là người thích nghe các ý kiến phản biện, cho dù đó là những ý kiến “nghịch nhĩ” và rất tôn trọng cấp dưới”.
Trong hơn 40 năm sự nghiệp của mình, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có nhiều đóng góp cho quân đội, cho đất nước, góp phần làm lên những chiến thắng vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Những bài học về chiến lược quân sự mà Đại tướng Lê Trọng Tấn để lại luôn có giá trị thực tiễn lâu dài. Những kinh nghiệm, những bài học mà Đại tướng Lê Trọng Tấn để lại vẫn mãi còn nguyên giá trị, xứng đáng để thế hệ sau học tập và noi theo.
Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.