Bộ phim đã tạo nên sức hút nhờ cách kể chuyện rất khác về chiến tranh, thể hiện khí chất, sự lãng mạn và kiên định của người Hà Nội ngay giữa bom đạn tàn khốc. Cơn sốt “Đào, Phở và Piano” là minh chứng cho thấy, nói dòng phim do Nhà nước đặt hàng không có thị trường và không nhận được sự quan tâm của khán giả là không đúng.

Một nghịch lý cho “Đào, Phở và Piano” là trong khi nhu cầu khán giả xem phim rất cao thì số lượng suất chiếu và địa điểm chiếu phim lại quá ít. Theo lý giải của Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Vi Kiến Thành, một trong những lý do là thiếu kinh phí phổ biến phim. “Đào, Phở và Piano” được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất nhưng chưa có kinh phí phát hành. Trong khi phim muốn chiếu trên toàn quốc cần có quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành.

Bên cạnh nội dung tốt cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, phim “Đào, Phở và Piano” thu hút được sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là giới trẻ, là nhờ nhận được tác động truyền thông tốt từ xã hội. Song, không thể phim nào cũng trông chờ vào sự may mắn như vậy, mà cần phải có công tác truyền thông chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, bản thân cơ quan quản lý cũng đang lúng túng, bởi chưa có quy định về trích tỷ lệ % phát hành phim do Nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị phát hành phim ở hệ thống rạp chiếu tư nhân cũng như kinh phí cho việc quảng bá... Chính vì vậy, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, các cơ quan quản lý nên tính đến một phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Từ hiện tượng “Đào, phở và piano” và trước đó là “Đất rừng Phương Nam” cho thấy, nhu cầu xem phim lịch sử của người Việt rất lớn. Vấn đề là chúng ta có làm được những bộ phim điện ảnh hấp dẫn về đề tài này hay không? Bởi suy cho cùng, “Nhà nước đặt hàng” cũng chỉ là một yếu tố, quan trọng là phim có đáng xem hay không mới là vấn đề quan trọng đối với khán giả, những người sẽ chi tiền và sẵn sàng đến rạp để hưởng thụ tác phẩm ấy.

Nguồn: Tổng hợp