Chiều 01/03, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua”. Đây là cuộc tọa đàm chuyên sâu bàn về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943).

Tọa đàm nhằm làm rõ 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là những quan điểm cơ bản về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận thực tiễn sâu sắc, lâu bền của bản Đề cương. Thứ hai là làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập. Thứ ba là đề xuất, định hướng những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Khẳng định về tầm quan trọng của bản Đề cương trong lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và nền văn hóa nghệ thuật nước ta, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Đề cương về văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới”.

Trên cơ sở kết quả tọa đàm, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy nền văn học nghệ thuật nước ta phát triển mạnh mẽ, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.