Trước thực trạng sách giả, sách lậu đang gây ra nhiều bức xúc trong xã hội nhưng chưa được giải quyết triệt để, sáng 28/06, tại Hà Nội, Cục xuất bản in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối với NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội thảo “Nhận diện các hành vi lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các phương pháp phòng chống”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản in và phát hành (Bộ TT&TT) cho biết, chỉ tính riêng năm 2021, đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy. Qua đó, đã xử phạt 32 vụ việc vi phạm với tổng số tiền phạt 782 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm. Đến năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng.
“Tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức tinh vi đã tác động xấu đến công tác quản lý, công tác tổ chức thực thi pháp luật; xâm phạm quyền tác giả; vi phạm pháp luật về thuế và làm ảnh hưởng tới việc tiếp nhận tri thức của người đọc.” – ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Thực tế vẫn còn không ít trở ngại trong việc ngăn chặn thực trạng làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm do sự bất cập trong quy định pháp luật, hạn chế trong quản lý của cơ quan chức năng lẫn thái độ ứng xử của độc giả chưa thật sự quyết liệt trong việc bài trừ, tẩy chạy sách lậu, sách giả.
Tại hội thảo, Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Vũ Thị Hồng Hạnh chia sẻ khó khăn trong việc nhận diện sách giả trong công tác quản lý và xử lý vi phạm. Bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản 2012) không có quy định cụ thể về việc xác định thế nào được coi là xuất bản phẩm, vì vậy, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình nhận diện và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Xuất bản 2012, văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra quyết định xuất bản và có giá trị đến hết ngày 31/12 của năm xác nhận đăng ký. Vì thời gian, hiệu lực của quyết định xuất bản quá dài nên việc quản lý, giám sát cơ sở in đúng số lượng là rất khó, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc in lậu, in nối bản khiến rất khó nhận diện việc có in lậu hay không. Bên cạnh đó, một số nội dung trong văn bản pháp luật hiện hành không còn phù hợp với thực tế phát triển của hoạt động in và phát hành. Hơn nữa, công tác rà soát, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp in, phát hành rất khó, vì các cơ sở in nằm rải rác thuê mặt bằng trong các khu đất của công ty nhà nước, đất an ninh - quốc phòng, cơ sở phát hành thuê kho nơi cất giữ xa xôi hẻo lánh ít người qua lại, cửa hàng thì chỉ trưng bày một số mang tính giới thiệu sản phẩm còn chủ yếu bán hàng online…
Tham luận tại hội thảo, TS. Hoàng Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật bày tỏ: “Nhiều năm trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu", nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với hình thức lan truyền sách giả trên môi trường số. Công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành e-book thậm chí còn nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu. Các sàn thương mại điện tử có bán sách, các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện, giá chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép”.
Minh chứng thêm về thực trạng xâm hại bản quyền xuất bản phẩm, Đại diện Công ty Cổ phần sách Alpha (Alpha Books) thông tin : “Trong số hơn 1000 đầu sách ebook của Alpha Books, có đến vài trăm đầu bị xâm phạm bản quyền dưới hình thức sách điện tử đăng tải tràn lan trên các trang mạng cá nhân chia sẻ miễn phí hoặc kinh doanh kiếm lời. Thậm chí nhiều đơn vị còn phát triển thành dạng sách nói và phát tán trên rất nhiều kênh như youtube, kênh riêng, các diễn đàn, và thậm chí cả các công ty có tư cách pháp nhân cũng ngang nhiên lấy ebook của Alpha Books và Omega Plus để kinh doanh khi chưa có sự đồng ý hay ký kết hợp đồng phân phối với Alpha Books và Omega Plus”
Từ thực trạng đó, đại diện Alpha Books cho rằng, để có thị trường sách lành mạnh, luật pháp phải là công cụ bảo vệ bản quyền và các đơn vị nghiêm túc tuân thủ pháp luật, nghiêm túc làm nghề. Cần có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực in ấn và phân phối xuất bản phẩm trái phép, không phép. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, có biện pháp chế tài đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm bản quyền, in ấn và phân phối sách giả, sách lậu. “Bản thân doanh nghiệp không thể suốt ngày lùng sục thị trường để tìm đầu sách của mình bị vi phạm bản quyền, in lậu rồi làm văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước can thiệp” - Đại diện Alpha Books bày tỏ
Ngoài ra, Thái Hà Books đề xuất xây dựng bộ nhận diện riêng cho từng đơn vị xuất bản; sử dụng chất liệu giấy in và mực đặc thù, tem chống giả công nghệ tiên tiến như tem SMS, tem QR code, tem nước…
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền xuất bản phẩm, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật kiến nghị, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý chỉ giải quyết được một phần của vấn đề, mà cốt lõi là truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của bạn đọc, để bạn đọc phân biệt được sách thật và sách giả, tác hại của sách lậu, sách giả, "nói không với sách lậu, sách giả" mới là cái gốc giải quyết triệt để này nhằm bản đảm trật tự trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.
Triển khai đồng bộ và quyết liệt những giải pháp trên sẽ góp phần hiệu quả trong việc ngăn chặn vấn nạn sách lậu, sách giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản.
CTV Anh Thư