Phát biểu tại lễ ra mắt, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, chương trình Trải nghiệm Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính thức được ra mắt du khách và người dân Thủ đô với mong muốn mang đến cho khách tham quan một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày. Mọi di tích kiến trúc và không gian di sản đều trở nên ấn tượng hơn, lung linh hơn thường ngày, song vẫn giữ được nét thâm trầm, tinh tế của một khu di sản vốn được coi như ngôi trường quốc học đầu tiên của Việt Nam dưới thời quân chủ. Tất cả sẽ mở ra một không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa quen, vừa lạ với người dân Thủ đô và du khách.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, chương trình trải nghiệm Đêm Văn Miếu- Quốc Tử Giám rất hấp dẫn, thực sự đã đem đến một trải nghiệm mới cho du khách. Tuy nhiên, điều này còn mang ý nghĩa lớn hơn khi sản phẩm đến từ sự sáng tạo của Văn Miếu sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng thành phố sáng tạo của Hà Nội khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới này từ năm 2019. Từ sáng tạo của Văn Miếu sẽ trở thành một ví dụ hay, câu chuyện truyền cảm hứng cho các di tích khác trên cả nước có sản phẩm về đêm phục vụ du khách.

"Khi vào Văn Miếu chúng ta sẽ được trải nghiệm công nghệ VR để cảm nhận một cách trọn vẹn giá trị của di sản. Đó là hình thức vô cùng phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Giới trẻ rất ưa khám phá, tìm hiểu công nghệ nên với những công nghệ này, chắc chắn giới trẻ sẽ thêm yêu di sản, thêm yêu lịch sử, văn hóa. Và từ tình yêu này, lại thúc đẩy họ học về lịch sử và từ đó sẽ có sự tự hào, niềm tin gìn giữ văn hóa của đất nước. Điều này vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang trong quá trình toàn cầu hóa, sự xâm lăng văn hóa đã ảnh hưởng rất nhiều đến nước ta, chính vì thế những bài học về lịch sử sinh động, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của người dân vào khoảng thời gian phù hợp sẽ là những sản phẩm vô cùng có ích không chỉ với sự phát triển văn hóa mà cả sự phát triển bền vững của đất nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Theo Thạc sĩ Trương Quốc Toàn, Tổng Đạo diễn chương trình, điểm khác biệt của tour trải nghiệm Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sử dụng công nghệ và ánh sáng, không dùng hình thức sân khấu hóa. Từ cổng chính tới nhà Thái Học, mỗi khu vực đều có câu chuyện gắn với đạo học Việt Nam. Với tinh thần tour đêm phải phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt, đề cao đạo học nên điểm nhấn của tour nằm ở phần sân Thái Học khi du khách được xem trình diễn 3D Mapping về những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam khi thể hiện các chủ đề: trường thi, các sĩ tử ngày xưa, liên quan đến ý chí, ước mơ đỗ đạt, học hành, cá chép hóa rồng, rồi những khó khăn, thách thức mà mỗi người cần phải vượt qua...

Cũng theo Thạc sĩ Trương Quốc Toàn, lần đầu tiên hình ảnh tứ linh (bốn linh vật bao gồm: Long – Ly – Quy – Phượng) từ lâu đã xuất hiện trên các công trình kiến trúc tín ngưỡng ở Việt Nam, nhưng thường chỉ được thể hiện như những đại diện đơn lẻ cho từng loài linh vật. Cho đến nay, chỉ duy nhất tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới xuất hiện bốn bức phù điêu thể hiện bốn linh vật này theo từng cặp cha dạy con trên đỉnh cột Tứ trụ nghi môn phía trước cổng Văn Miếu. Những hình ảnh ý nghĩa này cũng xuất hiện trên mặt chính của các hộp đèn trên đỉnh trụ lan can viền quanh hai hồ chữ nhật nằm hai bên khu Nhập đạo.

Điểm chạm cảm xúc cuối cùng của chương trình Trải nghiệm Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng là nội dung mang lại cảm giác thăng hoa nhất, chính là phần trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học sẽ biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. Mỗi chi tiết trong chương trình đều được chăm chút một cách tỉ mỉ nhằm mang lại cho khách tham quan một buổi tối khám phá trọn vẹn những giá trị đặc trưng không chỉ của riêng khu di tích quốc gia đặc biệt này mà còn cảm nhận được những giá trị nền tảng của đạo học Việt Nam. Du khách được thưởng thức tiết mục nghệ thuật truyền thống trước khi xem phim mapping. Trình diễn mapping cũng là bức tranh toàn cảnh liên kết toàn bộ các hạng mục trải nghiệm mà khách tham quan đã được thưởng lãm từ cổng chính vào đến hết sân Bái đường. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh và cảm xúc.

Phim mapping 3D “Tinh hoa đạo học” được lấy cảm hứng từ những yếu tố đặc thù tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với đạo học của người Việt xuyên suốt qua nhiều thế kỷ. Những giá trị tinh hoa đó bắt nguồn từ tinh thần hiếu học, từ gia đạo trong mỗi gia đình, từ tinh thần phấn đấu kiên trì, bền bỉ của mỗi nho sinh trên con đường khai mở tri thức. Bên cạnh đó, nội dung phim cũng khai thác các biểu tượng linh vật, hình tượng Sao Khuê trên công trình Khuê Văn Các và bia Tiến sĩ Thăng Long như những phương tiện biểu đạt thể hiện sự kết tinh và thăng hoa của đạo học Việt Nam.

Một số hình ảnh tại lễ ra mắt chương trình trải nghiệm Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Chương trình trải nghiệm Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở cửa từ 19h00 - 22h30. Khung giờ trải nghiệm 3D mapping là 20h00; 21h00, 22h00 các ngày thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Giá vé: 199.000 đồng/người. Miễn phí cho trẻ em cao dưới 1m.