Tớ Dày là loại hoa rừng thuộc họ đào, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là “Pằng tớ dày” - nghĩa là “Hoa đào rừng”. Thời điểm hoa Tớ Dày nở rộ nhất, đẹp nhất vào khoảng giữa tháng 12 đến hết tháng 1 Dương lịch hàng năm.

Tớ Dày là loài cây thân gỗ, tán rộng, mọc trên những sườn đồi, triền núi, hay những thung lũng. Vào tháng 9-10, cây Tớ Dày bắt đầu trút lá để nhường nhựa sống, dưỡng chất cho những chồi búp non, nụ hoa vừa nhú trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Bước vào tháng 12, trong những cơn mưa xuân lất phất đầu mùa sẽ đua nở chồi non, nụ hoa như bừng tỉnh sau một giấc ngủ vùi dài ngày. Hoa và lộc non của Tớ Dày cùng cựa mình nảy nở, sinh sôi một thời điểm.

Theo các cụ già người Mông, không biết loài cây này có từ bao giờ, gốc gác từ đâu, chỉ biết khi người Mông sinh ra và lớn lên đã thấy sắc đỏ, hồng phai của nó hiện hữu trên con đường đi lên nương, lên rừng lấy mật ong, hái củi vào mỗi độ giáp Tết. Đồng bào Mông ở Tây Bắc rất ưa thích hoa Tớ Dày bởi hoa Tớ Dày còn là biểu tượng cho tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc Mông và của núi rừng Tây Bắc.

Hoa Tớ Dày phân bố tự nhiên và mọc nhiều ở một số địa bàn thuộc huyện Mù Cang Chải như các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, Lao Chải, Khao Mang, dọc theo suối Nậm Kim và mọc nhiều nhất ở La Pán Tẩn.

Khi hoa Tớ Dày bung nở trên rừng, điểm tô sắc thắm cho đại ngàn ở những vùng cao, làm bừng sáng không gian núi đồi, bản làng như được khoác lên trên mình một màu áo mới. Lúc đó đất trời vào mùa giao hòa, nảy nở, sinh sôi, con người cũng bước vào một mùa xuân với bao niềm vui, ước mơ và hy vọng. Hoa Tớ Dày đua nở, cũng là thời điểm trai gái người Mông trên những rẻo cao đầy nắng, gió và sương giăng gọi nhau đi trẩy hội, du Xuân.