Cùng với phim điện ảnh Em và Trịnh, nhà sản xuất còn ra mắt thêm album nhạc phim (Original Soundtrack – OST) với những ca khúc được làm mới qua các giọng ca trẻ Gen Z như Avin Lu, Bùi Lan Hương, Hoàng Dũng, Mỹ Anh, Hoàng Duyên, Suni Hạ Linh, Juky San, Obito... Không chỉ được thể hiện bởi những giọng ca trẻ, những ca khúc này còn được phối với một tinh thần mới mẻ, được tái sáng tạo như đưa thêm hoặc chuyển một số đoạn lời thành đọc Rap. Cũng giống như bộ phim, những sản phẩm âm nhạc này cũng chia đôi dư luận, đứng ở lằn ranh của sự khen – chê.
Gen Z hát Trịnh: Chưa tới, chưa đã
Một tuần sau khi phim điện ảnh Em và Trịnh khởi chiếu tại các rạp, nhà sản xuất bắt đầu tung ra những bản nhạc phim đầu tiên trên YouTube và một vài nền tảng nhạc số. 2 sản phẩm đầu tiên là Nhìn những mùa thu đi và Tuổi đá buồn được thể hiện bởi 2 giọng ca trẻ được yêu thích: Mỹ Anh và Juky San. Tiếp đó lần lượt là Hoàng Dũng với Nắng thủy tinh, Hoàng Duyên x Obito với Mưa hồng... Tuy vậy, hiệu ứng của các ca khúc này dường như chưa được như kỳ vọng.
Dù được nhận định là đại diện tiêu biểu của Gen Z tại Vpop, phiên bản Nhìn những mùa thu đi của Mỹ Anh sau 1 tuần lên sóng chỉ đạt hơn 40 nghìn lượt xem. Sau 1 tháng, ca khúc cũng chỉ có hơn 600 nghìn lượt xem, kém xa những video 5,6 triệu lượt thường thấy của chính Mỹ Anh, chưa nói đến những MV top 1 trending YouTube của Đen Vâu hay K-ICM. Tương tự, các MV của Juky San, Hoàng Dũng cũng chỉ có lượt xem ở mức 300 - 400 ngàn, những con số cực kì khiêm tốn. “Chưa tới”, “chưa đã”... là cảm nhận chung của những khán giả khi nghe các ca sỹ Gen Z thể hiện nhạc Trịnh.
“Tôi là người rất hâm mộ nhạc Trịnh và hâm mộ những giọng ca để đời như Elvis Phương, Khánh Ly, Hồng Nhung... vì họ đã chuyền tải được chất tự sự rất riêng, những triết lý sâu sắc mà gần gũi của âm nhạc Trịnh Công Sơn đến khán giả. Thời gian gần đây, một thế hệ các ca sỹ trẻ Gen Z đã cover lại một số ca khúc như Nắng thủy tinh, Nhìn những mùa thu đi, Mưa hồng... Mới nghe họ hát tôi thấy đôi chút hụt hẫng vì không giống cảm xúc mình đã quen thuộc trước đây; tôi có suy nghĩ thoáng qua là để ca sỹ trẻ hát thế này là làm hỏng ca khúc mất rồi!”, một khán giả chúng tôi gặp tại Phòng trà Trịnh Ca chia sẻ.
Một ý kiến khác cho rằng, những giọng ca trẻ như Juky San hát nhạc Trịnh một cách nhẹ nhàng, thiếu chiều sâu, qua đó không lột tả được sự trĩu nặng trong nội dung bản gốc: "Tôi là một người nghe khá khó tính. Khi nghe các bạn Gen Z hát Trịnh, tôi thấy kỹ thuật xử lý của các bạn hơi đơn điệu và không tạo ra sự đột phá. Tôi rất hay nghe các thể loại nhạc như Jazz Swing hay R'n'B của nước ngoài. Và các bản phối mà của giới trẻ Gen Z phối lại nhạc Trịnh theo 2 phong cách này, kết hợp chút lãng đãng hoài niệm... làm cho tác phẩm nhạc Trịnh trở nên xa lạ, không tới được với cảm xúc của người nghe như tôi".
Áp lực của hát cover
Nhạc Trịnh luôn là một thử thách lớn dành cho bất kỳ giọng hát nào. Không phải vì độ khó về mặt nhạc lí, mà là những yêu cầu về mặt trải nghiệm sống và độ sâu trong cách truyền đạt nội dung, mà đây lại chính là điểm yếu của những ca sỹ tuổi đời còn rất trẻ.
Thành công nhất trong số những ca sỹ hát Trịnh từ dự án này chính là Bùi Lan Hương, thế hệ trên Mỹ Anh và Juky San một chút. Bùi Lan Hương sinh năm 1989, có nhiều trải nghiệm hơn, hiểu khán giả hơn, biết cách đưa vào những kỹ thuật phù hợp để vẫn ra chất nhạc Trịnh mà không mất đi bản sắc ma mị của dòng nhạc Dream Pop sở trường làm nên thương hiệu của cô. “Đương nhiên mình áp lực rất lớn. Phải hát làm sao cho nó vẫn ra được không khí ngày xưa, phải thay đổi từ vị trí đặt âm thanh đến cách phát âm, phát giai điệu sao cho phù hợp...”, nữ ca sỹ nói.
Không chỉ nhạc Trịnh, cover những bài nhạc xưa đang là xu thế nổi bật của Vpop thời gian qua. Nhiều dự án cover những bài hát rất nổi tiếng và được yêu thích thập niên 90 - 2000 đang trở thành màu sắc chủ đạo của thị trường âm nhạc sau giai đoạn Covid-19. Hương mùa hè là một dự án âm nhạc như thế! Những giọng ca trẻ Suni Hạ Linh, Hoàng Dũng, Orange, Grey D khoác lên một tấm áo mới cho các ca khúc Vào hạ, Tóc ngắn.
Tham gia nhiều dự án cover nhạc, ca sỹ Hoàng Dũng chia sẻ, các ca khúc nhạc xưa đã từng có một đời sống cũ, việc cover lại là để tạo nên sự giao thoa giữa âm nhạc ở thời điểm trước và thời điểm hiện tại. "Hoàng Dũng thích những sáng tác của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vì chúng mang màu sắc tươi vui. Ở trọ là 1 trong những ca khúc Hoàng Dũng thích nhất, nó mang màu sắc kiểu như mình đang vui chơi với cuộc đời. Những nghệ sỹ cover hay làm mới lại những ca khúc mọi người đã biết rồi đã trở thành một xu hướng. Nhưng Hoàng Dũng tin rằng, sự cố gắng của các nghệ sỹ có thể giúp những ca khúc đó trở nên thú vị hơn”.
Nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn của dự án Gen Z và Trịnh chia sẻ, khi bắt tay vào thực hiện, từ producer cho đến các ca sĩ đã tìm hiểu, nghiên cứu từng ca khúc để tìm ra cách thể hiện phù hợp nhất. Ekip quyết định rằng cần phải đem một tinh thần mới vào nhạc Trịnh, bởi nếu cứ hát giống như các thế hệ trước thì nó sẽ rất xa cách, khó giữ được cảm hứng để thu hút giới trẻ đến với nhạc Trịnh nhiều hơn. Vẫn là ca từ và giai điệu đó – nhưng được phủ lên tấm áo mới của Swing, Smooth Jazz, R’n’B... kết hợp với cách hát đơn giản và mộc mạc, điểm nhấn sẽ đến từ giọng hát của người trẻ theo phong cách tự sự, tâm tình. Bản phối cũng được làm một cách tối giản để tôn giọng hát và cảm tác của các ca sỹ trẻ.
Vẫn biết, một sản phẩm âm nhạc khi mới ra đời chắc chắn sẽ tạo nên phản ứng trái chiều. Đó là điều ekip đã dự đoán từ trước, những bằng cách vẫn tôn trọng một phần của tinh thần cũ, ca sỹ Orange hy vọng sẽ được công chúng đón nhận: “Nếu cải biên một ca khúc vẫn nên có sự tôn trọng nhất định với bản gốc, thì phần biểu diễn đó sẽ được đón nhận bởi một bộ phận. Bọn mình không chỉ hát lại, mà còn viết lại, viết thêm một số đoạn nhạc cho những bài hát đó. Những ca khúc đó sẽ mang màu sắc của bọn mình hơn, góp phần làm mới những bài hát mà mọi người nghĩ là nó quá cũ rồi”.
Trao cho nhạc xưa một đời sống mới
Mỗi ca sỹ, nghệ sỹ thường chịu ảnh hưởng của thời đại mà họ sống, và mang không khí đó vào các phần thể hiện của mình. Nhạc Trịnh qua các giọng ca Gen Z có thể sẽ mờ phai tinh thần phản chiến, nhưng sẽ có trong đó những trăn trở của Gen Z: một thế hệ vừa quảng đại vừa rất cô đơn, với áp lực phải làm cái gì đó khác biệt để định hình nên căn tính của mình. Và dường như, không phải nỗ lực của họ không có khán giả nhìn ra:
- “Cách các bạn trẻ cover nhạc Trịnh khiến tôi cảm nhận một tinh thần rất mới. Những ca khúc nhạc Trịnh – để tiếp tục tồn tại – tôi nghĩ phải đi cùng những giọng ca trẻ với tinh thần rất trẻ như thế”.
- “Khi tôi cố gắng nghe thêm nhiều lần, như Nắng thủy tinh do Avin Lu và Suni Hạ Linh thể hiện, Nhìn những mùa thu đi do Mỹ Anh thể hiện hay một bản Nắng thủy tinh nữa của Hoàng Dũng... thì tôi bắt đầu có một cảm giác khác: yên bình, thư thái, lãng mạn, nhẹ nhàng của thế hệ trẻ. Mỗi thế hệ đều có những câu chuyện thời cuộc, câu chuyện cá nhân khác nhau. Các ca sỹ trẻ - theo tôi đã truyền tải được đúng cảm xúc của thế hệ họ. Khiến cho công chúng trẻ đồng cảm hơn, gần gũi hơn với các sáng tác nhạc Trịnh ra đời từ rất lâu rồi”.
- “Giới trẻ bọn em ít người nghe nhạc Trịnh, bởi vì lời nhạc và cách hát của các ca sỹ ngày xưa hơi xa lạ, khó tiếp cận với bọn em. Nhưng em thấy nhạc Trịnh qua cách hát của các bạn Gen Z cùng thế hệ như Hoàng Dũng, Suni Hạ Linh, Mỹ Anh... rất gần gũi, giúp bọn em dễ nghe. Mà nghe rồi thì cảm thấy những điều bác Trịnh viết rất dễ đồng cảm”.
Xin mượn lời danh ca Khánh Ly, người hát nhạc Trịnh nổi tiếng để kết lại bài viết này: “Chúng ta cũng không nên ép mọi người phải đi đường này hoặc phải như thế này, phải như thế kia, nhất là trong nghệ thuật. Lớp trẻ bây giờ hát rất hay, họ có kỹ thuật, họ may mắn được học hành tới nơi tới chốn và không vướng bận... Hãy để cho họ hát. Hãy để cho họ tự do, hát kiểu nào cũng được miễn là họ yêu bài hát đó”.