Tới dự lễ có Hòa thượng Thích Giác Quang - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban trị sự kiêm trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản trị tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Trụ trì Tổ đình Quan Âm Tu Viện; Hòa Thượng Thích Thiện Thảo, Phó ban Quản trị tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Trưởng ban Tổ chức đại lễ kiêm Trụ trì chùa Long Phước Thọ; Hòa thượng Thích Thiện Kiết, Hòa thượng Thích Tâm Ngộ, Thượng tọa Thích Minh Vũ, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thường cùng chư tôn đức Tăng, Ni tông phong Tịnh Độ Non Bồng.

Tổ sư Thiện Phước, hiệu Mẫu Trầu (1924 – 1986) là người khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sau khi đắc pháp với Sư ông Thượng Bửu Hạ Đức tại chùa Bửu Quang (Ngọa Long Sơn, An Giang), nơi cầu Pháp và thành tựu pháp của Tổ sư. Bên cạnh việc hoằng pháp, các công tác từ thiện xã hội được Đức Tổ sư Thiện Phước đặc biệt chú trọng với mục đích cứu độ, giúp đỡ những người bơ vơ nghèo khó, phát nguyện lành với chúng sanh. Tấm lòng từ bi của Đức Tổ sư đã thể hiện rõ nét tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam.

Suốt cuộc đời Tôn Sư đã thể hiện đạo phong của bậc chân sư nghiêm từ và giản dị, với tâm từ bi và hạnh giải thoát thanh cao. Sau chặng đường dài vun vén cho Đạo pháp nở hoa, Đạo nghiệp của Tôn Sư để lại là một di sản đồ sộ được nhắc nhớ trên nhiều phương diện. Riêng nói đến hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Tôn sư đã khai mở và góp phần làm lớn mạnh sự tồn tại của một quần thể với hàng trăm tự viện và hàng triệu tín đồ ở khắp mọi nơi.

Hòa thượng Thích Giác Quang - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản trị tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Trụ trì Tổ đình Quan Âm Tu Viện cho biết: “Chúng tôi vô cùng hoan hỷ trước công đức lớn lao của Hòa thượng trụ trì chùa Long Phước Thọ, chư tôn đức Tăng Ni đã phát tâm tạo tượng Đức Tôn sư. Xưa nay chúng ta vẫn tôn thờ nhưng chỉ qua hình ảnh, tranh vẽ, tượng đá, tượng xi măng... nhưng chưa đạt chuẩn. Hôm nay, khi đứng trước tôn tượng Đức Tôn sư, tôi thấy rất hoan hỷ và tin rằng tôn tượng cũng phần nào đó thể hiện tinh thần giáo pháp sẽ bền vững mãi với thời gian.”

Sau buổi lễ cung nghinh sái tịnh trang nghiêm dưới sự chứng minh của Tam bảo và hiện tiền chư lịch đại tổ sư, sự hiện diện của chư tôn thiền đức Tăng Ni, 9 tôn tượng cao 88cm và 29 tôn tượng cao 30cm sẽ được tôn trí tại Tổ đình Quan Âm Tu Viện, Tu viện Thắng Liên Hoa, Chùa An Hòa, Bửu Hoa Ni Viện, Chùa Pháp An… các chốn già lam, tổ đình, tự viện trong môn phong cũng như tại tư gia của môn đệ Phật tử.