Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để du khách khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn, đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017); triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch (Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023); hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện".

Thủ tướng yêu cầu Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" chỉ ra được những điểm cần thay đổi về mặt chính sách để tăng cường liên kết phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là thúc đẩy hợp tác công – tư. Cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch (kết nối giao thông, hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, tiếp cận vốn, thuế, ưu đãi đầu tư du lịch...) cũng như các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng về cả số lượng và chất lượng trong tình hình mới; Vai trò, trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong phát triển du lịch Việt Nam...

Báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2023, trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ VH,TT&DL, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật: Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế có chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực. Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện... Có thể khẳng định, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng mà nguyên nhân của hạn chế này là do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn; Truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của Du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài...

Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong 10 tháng qua, ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được, dẫn đến tăng trưởng không như kỳ vọng. "Xét ở tầm vĩ mô thì việc liên kết, kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp đều không được tốt. Khi có dịch COVID-19 thì sự kết nối rất tuyệt vời. Chúng tôi liên kết giữa các loại hình du lịch lại với nhau, mở các thị trường. Thậm chí khi dịch căng thẳng, chúng tôi vẫn tổ chức được Hội nghị về lữ hành với 450 doanh nghiệp tham gia vào tháng 1/2021, sau đó tháng 4/2021 có hội nghị 700 doanh nghiệp ở Ninh Bình để bàn vấn đề phát triển du lịch nội địa như thế nào. Thế nhưng, khi hết COVID-19 thì những nỗ lực ấy, liên kết ấy đã biến mất và quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lại tăng giá, hạ giá và lộn xộn. Bên cạnh đó, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước; Đặc biệt, công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả. Việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt so với doanh nghiệp quốc tế", ông Vũ Thế Bình phân tích.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh vào 2 điểm: Vấn đề nhận thức để hạn chế rủi ro, thách thức đối với du lịch Việt Nam hiện nay và bán hàng. Theo ông Thành, Việt Nam bán hàng chưa tốt, nếu so với Thái Lan thì là rất kém, nghịch lý là chặt chém nhưng giá lại rất rẻ so với tiềm năng. "Chúng ta nhận được 54 giải thưởng uy tín từ quốc tế, nhưng việc quảng bá hình ảnh Việt Nam chưa làm được. Điều quan trọng nhất là nguồn lực, Quỹ phát triển du lịch được Thủ tướng ký từ năm 2018 và đã có hàng trăm tỷ, nhưng không tiêu được. Lý do rất nhiều, nhưng cần cải tổ, tư tưởng là phải xã hội hóa, vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi, phải có hội đồng của quỹ này, đại diện của các bên… để đề ra ý tưởng. Sân chơi trước nhất của quỹ này là những sự kiện xúc tiến du lịch lớn, thứ hai là vấn đề đổi mới sáng tạo (có thể là cuộc thi), ba có thể là một số vấn đề đào tạo lại, đặc biệt là đào tạo cấp cao và phải có cơ chế để thực hiện tốt nhất những ưu tiên, ưu đãi ấy".

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương trong hoạt động phát triển du lịch thời gian qua, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo nên thành công của du lịch Đà Nẵng và một số địa phương ở miền Trung là việc triển khai liên kết vùng và hợp tác công tư trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực ngày càng diễn ra gay gắt, việc liên kết và xây dựng thương hiệu tiếp thị điểm đến sẽ góp phần phối hợp nguồn lực hiệu quả hơn, tạo điều kiện mở rộng không gian du lịch; đa dạng, kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và phát triển sản phẩm, du khách có nhiều sự lựa chọn, từ đó góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến, hỗ trợ kết nối khai thác các tài nguyên sản phẩm du lịch.

"Việc liên kết xúc tiến quảng bá như vậy đã giúp các địa phương giải quyết bài toán khó khăn về kinh phí trong hoạt động xúc tiến quảng bá và cùng nhau tham gia các hội chợ quốc tế có uy tín. Cùng với đó, tổ chức các chương trình quảng bá của 5 địa phương, xây dựng các sản phẩm chung góp phần quảng bá hình ảnh các địa phương ra thị trường khách quốc tế cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với nhau xây dựng các chuỗi sản phẩm, các tour, tuyến du lịch để phục vụ khách và được du khách đánh giá cao trong thời gian vừa qua", ông Trần Chí Cường khẳng định.

Tại hội nghị, các đại biểu và doanh nghiệp cũng nêu ý kiến và đề xuất giải pháp để du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl, Đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, năm 2023, thế giới đối diện với nhiều bất ổn, du lịch Việt Nam cũng thế. Tài nguyên thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo. "Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á".

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất: Chính phủ cần chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện một số chính sách đã ban hành như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, đặc biệt là điều chỉnh giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch; Cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía Nhà nước vì đây chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực yếu; Cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Nên cạnh đó, cũng cần đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh, lưu ý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Về định hướng phát triển du lịch trong năm 2024 và thời gian tiếp theo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) nêu kiến nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch. "Về Luật Du lịch, chúng ta phải xem xét lại một số điều của luật, trong đó có Điều 9, Điều 15 – hai điều về quản lý khách du lịch hiện nay đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch phát triển. Thứ hai, Luật Đất đai cần quan tâm bổ sung vấn đề phát triển các khu du lịch (hiện nay Luật Đất đai đang bỏ sót phần du lịch). Thứ ba là Nghị định 132/2020 của Chính phủ về khống chế mức trần lãi vay hiện nay không giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được. Đặc biệt, chúng ta cần định hướng, cập nhật lại chiến lược phát triển du lịch cũng như củng cố lại Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển du lịch – đây là thể chế đa ngành rất tốt".

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”. Tập trung hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch; Tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách...

Thủ tướng khẳng định: Trên tinh thần “Lời nói đi đôi với việc làm”, “việc hôm nay chớ để ngày mai”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch nhanh và bền vững.