Trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” tái hiện những gian khổ, hy sinh của quân và dân Thủ đô để có được “Ngày về chiến thắng”, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trưng bày được chia làm 2 nội dung:

Phần 1: Trường kỳ kháng chiến: các tài liệu, hiện vật nhấn mạnh việc hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô nguyện chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Biến phố phường thành trận địa, trong suốt 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu “giam chân” địch trong lòng thành phố, quân và dân Thủ đô đã lập nên những chiến công hào hùng, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, Trung đoàn Thủ Đô đã thực hiện cuộc rút quân “thần kỳ” trong vòng vây khép kín của kẻ thù.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, thực dân Pháp đã chiếm ngay Nhà tù Hỏa Lò, sử dụng để giam giữ các nhân sĩ yêu nước như: Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe, kỹ sư Công chính Đào Trọng Kim, luật gia Vũ Văn Hiền, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bác sĩ Trần Văn Lai… Năm 1947 lập thêm căng 1 để giam giữ những chiến sĩ bộ đội, dân quân, du kích các địa phương và người tham gia hoạt động kháng chiến.

Chiếm được Hà Nội, nhưng thực dân Pháp không chiếm được lòng người. Cờ đỏ sao vàng luôn bất ngờ xuất hiện trong thành phố; người Hà Nội vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, góp tiền, góp sức ủng hộ kháng chiến; biệt động nội thành tổ chức tập kích sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai; học sinh, sinh viên tổ chức bãi khóa, văn nghệ ủng hộ kháng chiến; trong Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh, tổ chức vượt ngục… khiến cho Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối và tìm mọi cách đàn áp.

Phần 2: Ngày về lịch sử: sau 9 năm kháng chiến gian khổ, Ngày về lịch sử đã không còn xa. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Lợi dụng thời gian này, trước khi rút khỏi Thủ đô, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, trì hoãn việc trao trả tù binh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, các tầng lớp nhân dân Hà Nội kiên cường, bền bỉ chống lại mọi âm mưu phá hoại, bảo vệ thành phố nguyên vẹn trước khi đoàn quân chiến thắng tiến về.

Đầu tháng 10/1954, đội hành chính và đội trật tự đã tiến hành bàn giao các cơ quan công sở, công trình công cộng. Ngày 8/10, Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên được lệnh rút ra khỏi Thủ đô hồi đầu toàn quốc kháng chiến đã quay trở về tiếp quản các vị trí trọng yếu từ tay quân đội Pháp. 214 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã cùng canh gác với binh lính Pháp tại 35 địa điểm trọng yếu như: Dinh Quốc trưởng (nay là Phủ Chủ tịch), Tòa án Hà Nội (nay là Tòa án nhân dân tối cao), Nha Công an Bắc Việt (nay là Trụ sở Sở Công an thành phố Hà Nội), Nhà tù Hỏa Lò (nay là Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò)…

16h ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát Thành phố. Nhiều vị trí quan trọng đã được các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản an toàn. Lực lượng tiếp quản đã đảm bảo tính mạng, giữ vững cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng.

Sáng 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân thắng trận trở về. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp đường phố. Cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng.

Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên. Toàn thành phố hướng về Cột cờ thành Hoàng Diệu để làm lễ chào cờ lịch sử. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô…

Tham dự khai mạc Trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng", Đại tá Dương Niết - nhân chứng tiếp quản Thủ đô cách đây 69 năm cho biết, lúc về tiếp quản Thủ đô ông mới 19 tuổi, vinh dự, háo hức và vô cùng tự hào. "Lúc đó xúc động lắm, thế là từ đây Hà Nội thân yêu được giải phóng, mở ra một trang sử mới. Giờ tôi đã gần 90 tuổi rồi nhưng cứ đến ngày Giải phóng Thủ đô là những hình ảnh Hà Nội hân hoan, rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ chào đón đoàn quân chiến thắng trở về vẫn vẹn nguyên cảm xúc".

Trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” diễn ra đến hết ngày 30/12/2023.