Với phương châm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, đồng bào các tôn giáo tỉnh Thái Nguyên đã luôn sát cánh cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp chính quyền, MTTQ và đoàn thể phát động, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, đạo đức trong xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 3 tôn giáo lớn, với hơn 100 chức sắc, trên 1.600 chức việc, 134 nghìn tín đồ, chiếm 12% dân số toàn tỉnh và có truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó với dân tộc; luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”. Với phương châm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, đồng bào các tôn giáo tỉnh Thái Nguyên thông qua các phong trào đã và đang từng ngày góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống ngày càng đổi mới, giàu mạnh.

"Hàng năm, các tôn giáo luôn luôn ủng hộ đối với các phong trào do MTTQ và các tổ chức chính trị phát động trong nhiều năm qua, trong đợt dịch Covid-19, rồi trong các tháng cao điểm vì người nghèo thì các tôn giáo với một lực lượng rất là đông đảo đã đóng góp cho công tác an sinh xã hội của tỉnh cũng như các địa phương cấp huyện và cấp xã..." - ông Nguyễn Đức Tôn, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên bày tỏ.

Với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã không ngừng nỗ lực, từng bước củng cố, phát triển lớn mạnh về mọi mặt. Nêu cao tinh thần đại đoàn kết, chủ động tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu giữa các tôn giáo, giữa Giáo hội với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, góp phần tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội. Thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết, thống nhất và tinh thần gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc.

Đại đức Thích Thái Trí – Trụ trì chùa Phúc Long, TP. Phổ Yên chia sẻ: "Bản thân vai trò của mỗi Tăng, Ni cần thực hành tốt hơn nữa vai trò của một vị tu sĩ Phật giáo góp phần để xưng minh đạo Phật đồng thời trách nhiệm của một vị chủ trì tại các chùa tại địa phương thì luôn nỗ lực để làm sao trong khối đại đoàn kết chung toàn dân tộc trong đó có tăng ni và phật tử".

Hưởng ứng và tham gia tích cực vào các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng bào công giáo tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu, bàn giao mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh. Tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự ở vùng có đông đồng bào tôn giáo.

Trong cuộc vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, đồng bào công giáo tỉnh Thái Nguyên đã tích cực cùng với nhân dân ở khu dân cư xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với nếp sống đạo và quy định của pháp luật; đoàn kết lương - giáo và đoàn kết giữa các tôn giáo để cùng nhau xây dựng khu dân cư văn hóa, trở thành một trong những nhân tố đóng vai trò cầu nối quan trọng, góp phần cổ vũ, động viên, tập hợp, đoàn kết bà con đồng bào công giáo tại địa phương.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào có đạo đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả thì công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp là vô cùng quan trọng. Trong đó, yếu tố then chốt là thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền.

"Ủy ban Đoàn kết Công giáo đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức trách, chức năng nhiệm vụ của mình. Tuyên truyền vận động bà con công giáo trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, sống tốt đời đẹp đạo và cùng nhau hăng say tham gia các cuộc vận động các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển phồn thịnh, giàu có như lời Bác Hồ căn dặn" - Ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Có thể nói, tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo của tỉnh Thái Nguyên đã góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước, lan tỏa những hình ảnh đẹp đẽ nhưng cũng hết sức thiết thực với phương châm ích đạo lợi đời.

Mời nghe bài viết tại đây: