Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho nghèo. Do cha làm nghề dạy học nên Tô Hiệu được đi học từ rất nhỏ và sớm bộc lộ là một học trò chăm chỉ, thông minh. Những năm 1925 - 1926, Tô Hiệu theo học trường Pháp - Việt tại thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như: bãi khoá để truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu…

Năm 1927, Tô Hiệu lên Hà Nội ở với người anh cả là Tô Tu. Tại đây, người thanh niên trẻ Tô Hiệu vừa đi học, vừa tham gia các hoạt động cách mạng trong các tổ chức yêu nước. Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động với anh trai là Tô Chấn. Hai anh em bị bắt trong một cuộc họp, bị kết án 4 năm tù và bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu bị thực dân Pháp giam cầm và tra tấn rất dã man. Ông tham gia tổ chức vượt ngục nhưng không thành và bị địch phạt giam ở hầm xay lúa cùng với đồng chí Tôn Đức Thắng. Chế độ nhà tù hà khắc đã khiến Tô Hiệu bị lao phổi nặng, dù vậy ông vẫn kiên cường tham gia đấu tranh và tiếp tục học tập lý luận cách mạng. Năm 20 tuổi Tô Hiệu được kết nạp vào Đảng tại Nhà tù Côn Đảo, đánh dấu bước ngoặt quyết định con đường hoạt động cách mạng. Mãn hạn 4 năm tù, Tô Hiệu bị bọn mật thám xếp vào loại “nguy hiểm”, phải về quê nhà và bị quản thúc. Trong những năm tháng sống ở quê, không bỏ phí thời gian, ông tìm mọi cách liên lạc với Đảng và được phân công làm ủy viên Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đáng chú ý, trong cao trào Mặt trận Dân chủ những năm 1936 - 1939, đồng chí đã cùng Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo thành công các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, tổ chức lực lượng và nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng của quần chúng nhân dân, trực tiếp gây dựng cơ sở, phát triển tổ chức Đảng ở các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Năm 1939, đồng chí Tô Hiệu tích cực chỉ đạo, củng cố hệ thống tổ chức Đảng ở nhiều địa bàn trọng yếu, đưa phong trào cách mạng vùng duyên hải Bắc Bộ phát triển mạnh, gây tiếng vang với nhiều cuộc bãi công của công nhân và quần chúng lao động, đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng trong công nhân ở Hải Phòng và bị bắt giam tháng 12/1939, sau đó bị đưa lên nhà tù Sơn La. Trong lần thứ 2 bị giam cầm, tra tấn, đày ải trong lao tù đế quốc, đồng chí Tô Hiệu tích cực tham gia hoạt động và trở thành hạt nhân lãnh đạo Chi bộ Nhà tù. Đồng chí Tô Hiệu đã chỉ đạo xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, cùng các chiến sĩ cộng sản biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, huấn luyện, đào tạo nhiều cán bộ ưu tú góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. PGS TS Phạm Hồng Chương, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Cống hiến lớn nhất của đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng nước ta chính là những cống hiến trong công tác xây dựng Đảng, và điều này thể hiện xuyên suốt trong quãng đời hoạt động cách mạng của đống chí đến hơi thở cuối cùng”.

Theo các tài liệu đã được công bố, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai vào ngày 01/12/1939, lúc này đồng chí đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Khu liên khu B, đặc trách Hải Phòng và bị đày lên nhà tù Sơn La đầu năm 1940. Sau 10 ngày đêm lết cùng xiềng xích, dầm mình trong mưa, gió rét, đồng chí Tô Hiệu và những người bị đày ải đã bước vào “địa ngục” trần gian – Nhà tù Sơn La.

Mặc dù bệnh lao hành hạ, bị giam riêng biệt ở “idôlê”, lại hạn chế tiếp xúc, điều đó không ngăn được đồng chí Tô Hiệu hoạt động cho Đảng và cách mạng. Tuy sức khỏe còn yếu, nhưng đồng chí Tô Hiệu đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt tình hình mọi mặt ở nhà tù Sơn La, nhất là về tổ chức đảng. Trước diễn biến mới tình hình lúc bấy giờ, đặc biệt yêu cầu lãnh đạo ngày càng cao đối với đảng viên trong nhà tù, trung tuần tháng 2/1940, đồng chí Tô Hiệu đã thống nhất và đề nghị các đảng viên cộng sản bị giam cầm từ trước và những đảng viên cộng sản mới bị lưu đày thành lập Chi bộ cộng sản chính thức. Chi bộ đảng lâm thời nhà tù Sơn La ra đời, nhanh chóng chuyển thành Chi bộ chính thức là một bước chuyển căn bản về nhận thức và hoạt động của các đảng viên bị giam cầm ở đây.

Tại nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu bị coi là thành phần cực kỳ nguy hiểm. Lấy cớ là Tô Hiệu bị bệnh lao phổi, thực dân Pháp giam riêng ông tại một xà lim rộng gần 4m² cạnh hành lang đi tuần. Đói, rét, bệnh tật, đòn roi dã man của kẻ thù chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng của ông, mà còn hun đúc thêm ý chí gang thép của người cộng sản. Ngày 7/3/1944, trong vòng tay đồng đội, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi tròn 32 tuổi. Trong niềm tiếc thương vô hạn, chi bộ nhà tù đã chỉ đạo anh em lao động bên ngoài nhà tù khắc tấm bia đá có chữ “Tô Hiệu”, bí mật đặt dưới mộ của ông.

Tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 110 năm ngáy sinh đồng chí Tô Hiệu, GS TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng hào hùng, phẩm chất cách mạng cao đẹp của đồng chí Tô Hiệu mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo: “Từ một thanh niên yêu nước chân chính, nhiệt thành, đồng chí Tô Hiệu đã đến với lý tưởng cộng sản và trở thành đảng viên cộng sản kiên trung trọn đời phấn đấu hi sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Dù bị giam cầm, hành hạ trong những nhà tù khét tiếng tàn bạo của thực dân Pháp như Côn Đảo, Sơn La, bị tra tấn hết sức dã man, xong đồng chí Tô Hiệu đã nêu cao ý chí bất khuất, giữ vững bản lĩnh cách mạng và khí tiết của người cộng sản trước kẻ thù, kiên quyết giữ bí mật về tổ chức đảng và phong trào cách mạng”.

Đồng chí Tô Hiệu mất đi, nhưng tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng vẫn chói sáng. Bên vách tường đá của nhà tù Sơn La, cây đào mang tên Tô Hiệu vẫn mãi xanh tươi, biểu tượng cho tinh thần bất khuất của những người tù cộng sản, cho sức sống mãnh liệt của cách mạng Việt Nam.

32 năm tuổi đời, 18 năm hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Tô Hiệu là những tháng ngày phấn đấu, đóng góp không ngừng nghỉ, trọn đời cống hiến cho lý tưởng cách mạng đến giây phút cuối cùng. Tấm gương và “tinh thần Tô Hiệu” sẽ mãi là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trân trọng đồng chí Tô Hiệu, tên ông được đặt cho nhiều con phố chính và trường học ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí M inh, Nghệ An …v.v…

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: