Lần giở các trang sử liệu, theo sách “Đăng khoa lục” và Đại Việt sử ký toàn thư: Tô Thế Huy sinh năm 1666, quê ở thôn Bình Đắng, tổng Đồng Phú, huyện Bạch hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây, nay là thôn Bình Trù, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tương truyền, tuy là con thường dân nhưng ngay từ nhỏ, Tô Thế Huy đã có tư chất thông minh, nổi tiếng hay chữ trong vùng. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng như trong gia phả cho biết: Tô Thế Huy đã tham gia kỳ thi năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 tức năm 1697. Về khoa thi này hiện nay vẫn còn lưu ở bài ký trên văn bia số 54 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: Mùa đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 bủa lưới cầu hiền, mở trường thi tài kén kẻ sĩ. Bấy giờ các cống sỹ ở các nơi về như mây họp, số ứng thí có trên 3.000 người, qua trường thi chọn hạng ưu 10 người.

Sau khi "trúng cách thi Hội” và dự “Đình thí”, Tô Thế Huy đỗ thứ hai trong số 10 người ở hàng Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân, năm ấy ông 32 tuổi và đã làm chức quan Huấn đạo ở cấp phủ. Không chỉ đỗ đạt cao tại trường thi hơn 3.000 người ứng thí, Tô Thế Huy còn là người mở đầu truyền thống khoa bảng làng Bình Đắng.

Nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Điều này được minh chứng trong bài ký ở tâm bia hậu tại đình làng Bình Đắng tạo năm Minh Mạng thứ 13 (1831), nội dung: Ngã ấp văn hiến chi hương, anh hùng thế xuất tự Tô Tiến sĩ khai khoa tri hậu, nhân tài bối xuất đại học hiển hành, kỳ văn chương, Túc vi thiên hạ phạm mô đại thống tri truyền dòng lai. Tức là ấp ta trở thành ấp có văn chương, có người tài từ sau khi họ Tô đỗ Tiến sĩ, người tài lũ lượt ra đời, đạo học rõ ràng, văn chương có tiếng đủ để thiên hạ lấy làm khuôn phép... Quả thực sau ông, làng Bình Đắng có 12 người đỗ đạt”.

Trước khi ứng thí, do có tư chất hơn người, Tô Thế Huy đã làm các chức quan nhỏ ở địa phương. Sau khi đỗ đạt đại khoa, Tô Thế Huy được bổ nhiều trọng chức: “Sau khi đỗ đạt, ông được cử làm quan ở cấp bộ đến Hữu Thị Lang. Đến tháng 6 năm Canh Tý đời Vĩnh Thụy thứ 16 (1720) vua Lê Dụ Tông ban cho ông và 3 người nữa tước Hầu. Năm Bảo Thái thứ 2 (1722) ông được cử giữ chức phó Sứ, sang nhà Thanh tuế cống. Trở về ông được tiến cử vào hầu trong phủ chúa Trịnh Cương, giữ chức bồi tụng ở phủ đường rồi được thăng lên chức Tả Thị lang Bộ Lễ” - nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên phân tích thêm về những chức quan cụ thể của Tiến sĩ Tô Thế Huy.

Với hơn 35 năm làm quan, trải nhiều thăng trầm nhưng với chức trách của một vị quan trong nội điện, Tô Thế Huy luôn thể hiện là một vị trung chính với triều đình, vì lợi ích chung của dân, của đất nước. Tuy nhiên, ông cũng bị một số quan nịnh thần ghen ghét vu oan khiến cho ông có lúc bị biếm chức làm quan Thừa chính quản xứ Yên Quảng, tức Quảng Ninh ngày nay.

Câu chuyện bị biếm chức này được nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên kể lại: “Tháng Năm năm Nhâm Tí (1732), Uy Vương Trịnh Giang cùng với một số viên đại thần ngấm ngầm bàn kế mưu phản định phế vua Lê Duy Phường để lập vua Lê Thuần Tông. Tô Thế Huy là người giỏi về khoa chiêm, thường dâng sách âm dương cho vua Duy Phường, vì vậy Trịnh Giang và một số triều thần muốn truất vua Duy Phường thì phải tìm cách loại bỏ Tô Thế Huy. Khi ấy, Tô Thế Huy đang làm việc ở tòa Kinh Diên, nên bị gièm pha đặt điều coi bầy tôi giảng dụ (hầu giảng cho nhà vua) mà chỉ dựa dẫm, không biết giúp đỡ vua về mặt đạo đức, nên biếm chức ông cho làm Thừa chính sứ ở Yên Quảng”.

Cuối đời, ông được về trí sĩ tại quê nhà và xây dựng Vân Đài giống như thư viện để lưu trữ các bản ngọc phả ở các đình, đền, miếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Nhưng sau đó nhà Vân Đài của Tiến sĩ Tô Thế Huy bị Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương (nửa sau thế kỷ 18) cho quân dỡ về xây dựng Quán Tiên. Con cháu họ Tô phải mang Thần tích lên gửi tại Đền Hùng.

Tô Thế Huy mất ngày 24 tháng 4 âm lịch khi đã ngoài 70 tuổi và được phong tước Công. Con cháu ông về sau đều hiển đạt, có người làm quan tới chức Chánh hiến sứ, Phó Hiến sứ. Nhớ ơn vị tổ khai khoa, con cháu dòng họ Tô hiện nay vẫn luôn phát huy tinh thần hiếu học. Họ Tô ở Cao Đại vẫn luôn dẫn đầu trong công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương.

Ông Tô Quang Cương, Trưởng Ban Liên lạc họ Tô Bình Trù cho biết: “Họ Tô tại Bình Trù tới nay đã trải gần 400 năm. Cụ Tổ khai khoa còn rất nhiều di chỉ, sắc phong và các câu đối của các triều đại ban tặng. Chúng tôi là hậu duệ luôn tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của dòng họ cả về truyền thống nhân ái, tương trợ của cụ tổ và truyền thống khoa bảng. Hiện nay họ Tô ở Bình Trù có hơn 600 người, đều bảo ban nhau cố gắng phấn đấu, sự hiếu học được truyền từ đời này sang đời khác, góp vào truyền thống văn hoá khoa bảng của quê hương...”.

Ngày nay, tại đền thờ ông tại làng Bình Trù còn lưu giữ được nhiều sắc phong, câu đối giàu ý nghĩa và giá trị lịch sử. Cùng với những đóng góp cho đất nước, Tô Thế Huy còn để lại một số tác phẩm thơ văn có giá trị như bài ký Phụng tự La công sinh từ bi ký (bia sinh từ hệ La ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Một bài tựa viết cho sách Quần hiền phú tập vào năm Bảo Thái 10 (1728). Bài trướng mừng Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân thi đỗ có tiêu đề Cổ Đô thượng thư quan đăng Tiến sĩ hạ tập, chép trong sách Bách Liêu thi văn tập.

Trong cuộc đời làm quan, tuy sử sách không ghi chép nhiều về công trạng của Tô Thế Huy, nhưng người dân Bình Trù thì luôn ghi nhớ công ơn của vị Tiến sĩ khai khoa này. Sau khi mất, Tô Thế Huy được dân làng Bình Đắng thờ tự tại khuôn viên của gia đình ông. Tuy nhiên, thời kháng chiến chống thực dân Pháp ngôi từ đường bị tàn phá không còn nữa. Năm 2015, con cháu dòng họ Tô đã cùng nhau dựng lại ngôi đền tại thôn Bình Trù, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hàng năm, vào ngày 24 tháng 4 âm lịch, tại đền thờ Tô Thế Huy diễn ra lễ giỗ tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, cũng từ đó ôn lại và động viên, khuyến khích con em phát huy truyền thống hiếu học của quê hương.

Mời nghe âm thanh tại đây: