Ở nước ta, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370 nghìn trẻ bị tai nạn thương tích và cứ 100 nghìn trẻ thì có 24 trường hợp tử vong. Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng chống, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích dường như vẫn chưa giảm trong thời gian qua.
Năm nay, học sinh cả nước buộc phải nghỉ hè sớm do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các hoạt động vui chơi giải trí, lớp học kỹ năng, ngoại khóa cho trẻ không được tổ chức, trẻ buộc phải ở nhà trong khi cha mẹ, người thân vẫn phải đi làm nên nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích vẫn luôn rình rập.
Trẻ em đa phần có bản tính hiếu động, tò mò, nghịch ngợm, lại chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ gây ra những rủi ro cho bản thân khi ở nhà. Đã có rất nhiều trường hợp đau lòng xảy ra và hậu quả của các vụ tai nạn không chỉ khiến trẻ bị những tổn thất về mặt cơ thể, ám ảnh về mặt tinh thần mà còn là nỗi xót xa, day dứt, ân hận kéo dài của nhiều bậc phụ huynh.
Ngôi nhà được coi là nơi an toàn cho trẻ sinh sống, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều rủi ro gây thương tích cho trẻ và điều đáng lo ngại là hiện nay, có không ít gia đình chưa nhận thức đúng trong việc chăm sóc con cái, chỉ chăm chăm lo làm kinh tế mà không để ý đến con em mình, để đến khi tai nạn xảy ra thì mới thấy hối hận…
Năm nay, Tháng hành động vì trẻ em có chủ đề "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh" nhằm tạo điều kiện để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại trong chính ngôi nhà của mình cũng chính là trách nhiệm của người lớn trong mỗi gia đình. Vì vậy, các bậc cha mẹ và người trông nom trẻ cần có kiến thức để xây dựng một ngôi nhà an toàn cho trẻ sinh hoạt và vui chơi, phòng tránh các tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Mời nghe âm thanh tại đây: