Với gần 40 tham luận cùng sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học cùng các văn nghệ sĩ của Liên hiệp các Hội VHNT VN, Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN (DTTS), chi hội VHNT các DTTS các tỉnh từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Cần Thơ… hội thảo là dịp để đánh giá những thành tựu cũng như những tồn tại của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số những năm qua. Từ đó xác định những giải pháp và hướng đi nhằm phát huy, phát triển nền văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS VN nhận định, hơn 70 năm qua, VHNT các DTTS luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Nhiều tác giả, tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian... đã được Đảng, Nhà nước trao giải thưởng cao quý. Nhiều tác phẩm, công trình, chương trình nghệ thuật tiêu biểu của văn nghệ sĩ dân tộc miền núi được công bố rộng rãi đã tạo cơ hội để quảng bá những nét đặc sắc của nền văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhà văn Cao Duy Sơn, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số không tránh khỏi những tồn tại cần được chỉ rõ. Những tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật còn ở mức khiêm tốn, rất ít được đề cập, chưa có nhiều tác phẩm nổi trội về đề tài dân tộc miền núi của các nhà văn bản địa.

“Về sáng tác văn học trong 54 dân tộc anh em, mới chỉ có 18 dân tộc có người viết văn nửa chuyên nghiệp. Còn 36 dân tộc khác vẫn chỉ là con số không. Kỳ vọng mỗi dân tộc có một nhà văn hay nhà thơ vẫn là một ước muốn xa vời. Và một điều hiển nhiên mà chúng ta đều biết, đó là trong 54 dân tộc anh em, còn bao nhiêu tộc người chưa được nghe tiếng nói của dân tộc mình trên phát thanh, truyền hình. Do đó, để VHNT các DTTS phát triển cần có chính sách và có sự đầu tư thực sự ” – Nhà văn Cao Duy Sơn bày tỏ.

Cùng chung nỗi niềm đau đáu về sự phát triển, phát huy giá trị của nên VHNT các DTTS, nhà văn, nhà nghiên cứu Inrasara, người dân tộc Chăm ở Ninh Thuận xót xa khi rất nhiều vốn quý của các tộc người chưa được biết đến, chưa được khơi gợi và phát huy. Có những nét tinh hoa có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất vĩnh viễn. Ông cho rằng cần chú trọng quan tâm hơn nữa đến nền VHNT các DTTS để khơi dậy, xây dựng và phát triển những tinh hoa đáng quý đó. Bởi đó cũng là một cách bồi đắp cho lịch sử, cho văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cần có người đi đầu, có người mở đầu và cần có “đất” cho các nhà sáng tác người dân tộc thiểu số. Và điều quan trọng nhất là cần có sự đầu tư đỉnh cao vào những nét độc đáo, những công trình nổi trội của từng dân tộc. Từ đó mới “có chất” để quảng bá, để thông tin với bạn bè, với công chúng. Muốn phát huy, muốn tỏa sáng thì phải xây dựng được “cái cốt”. Và xin nhấn mạnh là phải đầu tư đỉnh cao cho “cái cốt” đó” – Nhà văn Inrasara nói.

Cần có chính sách và tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số và tăng cường truyền thông văn học nghệ thuật bằng tiếng dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng” – Đó là ý kiến tham góp của nhà văn, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, bởi theo bà, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều nét riêng độc đáo làm nên sự đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam.

Theo nhà văn Trúc Linh Lan, người Khmer thuộc chi hội VHNT các DTTS Cần Thơ, để văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phát triển, một yếu tố không thể thiếu đó là vấn đề quảng bá các tác phẩm. “Cần phải thúc đẩy hơn nữa việc quảng bá các tác phẩm VHNT các DTTS để cho tất cả các dân tộc khác viết tác phẩm của dân tộc thiểu số của từng dân tộc. Một trong những cách làm theo tôi có hiệu quả, đó là viết song ngữ tiếng phổ thông cùng với tiếng dân tộc. Thực tế, một số dân tộc vùng Tây Nguyên, Tây Bắc đã làm rất tốt việc này. Bản thân tôi nhờ có những tác phẩm song ngữ đó mà tiếp cận được nhiều hơn. Bên cạnh đó, cùng với quáng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian thì cần chú trọng hơn nữa đến nền văn học dân tộc hiện đại”.

Một trong những điều trăn trở của các nhà văn DTTS là lực lượng kế cận đang còn rất mỏng. Là một tác giả trẻ, nhà văn Nông Quang Khiêm, Hội VHNT tỉnh Yên Bái tham dự hội thảo với những trăn trở khi đưa ra một con số thống kê rất đáng quan tâm, đó là trong số 1.041 hội viên Hội VHNT các DTTS VN, số hội viên dưới 35 tuổi chỉ chiếm 1%, hội viên từ 36-45 tuổi chiếm 7%. “Lực lượng sáng tác trẻ hiện nay quá thưa thớt, lại thiên lệch về thành phần dân tộc. Đáng báo động là rất nhiều dân tộc có dân số đông, có bề dày văn hóa nhưng không có tác giả sáng tác” – Nhà văn Nông Quang Khiêm trăn trở.

Đứng trước thực trạng này, nhà văn Nông Quang Khiêm đề xuất: “Cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các trại sáng tác trẻ cho tất cả các chuyên ngành ở cả 3 miền. Ngoài ra, mở các lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ, các chuyến đi thực tế, tổ chức các cuộc thi để các cây viết trẻ có điều kiện thử sức và học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, cần có sự ưu tiên, khuyến khích các tác giả trẻ sáng tác bằng tiếng dân tộc mình, chữ viết dân tộc và song ngữ”.

Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số mang rất nhiều nét đặc trưng độc đáo riêng có, sẽ là động lực tích cực tác động tới nhận thức, đời sống xã hội, truyền cảm hứng cho công chúng thêm tự hào về văn hóa tộc người.

Để VHNT các DTTS phát huy, tỏa sáng những giá trị đặc biệt trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa còn rất nhiều việc phải làm, mà quan trọng nhất là nhận thức đúng về vai trò vị thế của VHNT các DTTS để từ đó có sự đầu tư thích đáng.