Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi nuôi dưỡng giá trị truyền thống có sức sống qua thời gian. Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” ra đời như một lời khẳng định về sức trường tồn của Nhân - Nghĩa - Lễ - Nhạc trong đời sống người dân nước Việt, mang thông điệp chung là đánh thức tiềm năng văn hóa Việt. Ở đây không phải là đánh thức những điều chưa có hay sáng tạo ra những điều mới mẻ mà là khơi gợi lại tình yêu với những điều đã sống, đã thở với con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm qua.

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng, dù cách làm mới mẻ đến đâu thì việc đầu tiên là phải giữ nguyên tắc những gì thuộc về truyền thống: "Tất cả những gì thuộc về truyền thống chúng ta phải giữ gìn, thay vì cố tìm cách để làm mới những giá trị đó. Cần phải hiểu "làm mới" ở đây là theo nghĩa đánh thức những giá trị đó, có thể chỗ nào đó đang bị nhận diện chưa đúng chẳng hạn... Ví dụ các bạn trẻ trước mỗi kỳ thi lại đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám sờ đầu rùa hay vái ở bia Hạ mã... thì giá trị của Văn Miếu không phải như thế. Giá trị của Văn Miếu là liên quan đến đạo học, thầy Chu Văn An và giá trị giáo dục của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là rất lớn, những người thầy đó thể hiện tinh thần Thân giáo, tức là từ lời nói, hành động của họ noi gương cho học trò, cho hậu thế. Chúng tôi không có ý định “lột xác” hay làm mới hoàn toàn Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà chúng tôi tìm cách để những giá trị trừu tượng đó đến gần hơn với người tham quan và những người trẻ, để các bạn hiểu hơn, trân quý hơn và có ứng xử phù hợp với di tích".

Vốn là điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, nên Văn Miếu- Quốc Tử Giám thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo ông Trương Quốc Toàn- Cố vấn cho hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách mới chỉ biết đến một phần nhỏ các giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này bởi trong khu di tích có 2 yếu tố cấu thành là Văn Miếu và Quốc Tử Giám nhưng khách tham quan vào đây mới chỉ hình dung được Văn Miếu như thế nào, còn Quốc Tử Giám với tư cách là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam thì lại chưa được thể hiện một cách rõ nét.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, trong đó có nhu cầu tham quan, du lịch. Chẳng hạn như xu hướng cá nhân hóa tham quan di tích. Khách không đi theo đoàn lớn mà đi theo nhóm nhỏ. Xu hướng tiếp theo là số hóa. Chính vì thế, các điểm tham quan, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần thay đổi, chuyển mình cho phù hợp.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ số hóa toàn bộ di tích; đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng, trở thành “sân chơi” chung sống động cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt.

Mời nghe âm thanh tại đây: