Dư luận vẫn chưa hết xôn xao về mức án tử hình và chung thân mà toà án nhân dân thành phố Hà Nội dành cho 2 bị cáo Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh vì tội bạo hành con gái 3 tuổi dẫn đến tử vong. Và đây là bản án thứ 2 trong tháng 11 liên quan tới bạo lực gia đình. Trước đó ít ngày, Tòa án nhân dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hoa 4 năm tù về tội ngược đãi mẹ già.

Có thể nói, thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng. Những chuyện như con cái miệt thị, đánh đập, sát hại cha mẹ; vợ chồng đánh chửi nhau gây thương tích, vì ghen tuông, mâu thuẫn mà giết người rồi cha mẹ bạo hành con trẻ dẫn đến thương tật, tử vong…không hiếm. Có những vụ bạo hành chẳng khác nào thời trung cổ như mới đây ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, bố chồng dùng búa đập đầu con dâu và hai cháu.

Các vụ trọng án xảy ra trong gia đình ngày càng gia tăng - do con người hành xử ngày càng thô bạo hay hành lang pháp lý chưa đủ mạnh để răn đe?

Một điều đáng nói là chỉ đến khi tình trạng bạo lực đến mức tàn bạo và bị phanh phui, người ta mới bảo rằng, thực ra, hành vi bạo lực vẫn xảy ra hàng ngày, hàng xóm láng giềng đã nhiều lần chứng kiến nhưng lần này mới nghiêm trọng như vậy v.v… Vâng, người dân nhiều người biết, nhiều lần biết mà không ai lên tiếng? Còn chính quyền ở đâu? Các tổ chức chính trị xã hội địa phương ở đâu khi đa phần những người yếu thế như người già, phụ nữ, trẻ em bị bạo hành?

Chúng ta đã có cả một hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007… Mặc dù vậy, thực tế xã hội cho thấy, vẫn chưa tạo ra sự thay đổi cơ bản trong nhận thức về bạo lực gia đình, người dân vẫn còn mơ hồ về những quy định pháp luật trong khi đạo đức xã hội ngày càng sa sút.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã quy định rõ: Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư... nhưng trong thời gian dài qua, liệu có mấy người lên tiếng hoặc báo cho các cơ quan có thẩm quyền? Hay biết mà vẫn làm ngơ vì coi là chuyện nhà người ta? Hay biết mà vẫn làm ngơ để tránh phiền phức...

Đến thời điểm này, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã triển khai được 12 năm nhưng tình trạng bạo lực trong gia đình không những không giảm mà còn gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng, thực sự là một vấn đề xã hội nổi cộm cần quan tâm giải quyết.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng, Luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống và tiếp tục cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các khái niệm được quy định trong Luật đã thực sự rõ ràng? Những chế tài xử phạt hành chính liệu đã đủ sức ngăn chặn? Rồi việc khen thưởng, xử phạt, đền bù thiệt hại cho những người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được quy định cụ thể hay chưa?

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện kế hoạch xậy dựng, sửa đổi Luật và hoàn thiện vào giữa năm sau để trình Chính phủ xem xét. Dù thế nào thì việc tăng cường biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người có hành vi BLGĐ phải được quy định cụ thể và đủ sức răn đe.

Bạo lực gia đình, trong đó, các vụ trọng án xảy ra trong gia đình, hơn lúc nào hết, cần được nhìn nhận là một bất ổn xã hội nghiêm trọng, cần các chế tài xử phạt nghiêm minh. Những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi mọi người dân đều phải nắm rõ, tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành./.