Nhìn lại chặng đường phát triển của Quốc hội, có thể thấy, thời gian qua, các nữ đại biểu Quốc hội đã luôn phát huy trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của mình.

Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng nữ đại biểu Quốc hội ngày càng đông đảo. Từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu thì đến Quốc hội khóa XIV, có 133 nữ đại biểu trúng cử, đạt 26,8% tổng số đại biểu Quốc hội. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia, thuộc nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng đại biểu Quốc hội cũng ngày càng nâng cao. Còn nhớ, tại nghị trường Quốc hội khóa XIV những ngày đầu tháng 11/2020, nữ đại biểu của đoàn Gia Lai, Ksor H'Bơ Khăp đã phát biểu thẳng thắn về lĩnh vực giáo dục, chuyện thủy điện và môi trường. Hay bài phát biểu gây “sốt” của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên về sách giáo khoa tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV…. đã gây tiếng vang lớn tại nghị trường và nhận được sự đồng tình của cử tri cả nước.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 yêu cầu: Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ. Một số Chỉ thị, Nghị quyết cũng đã nhấn mạnh đến công tác tăng tỷ lệ đại biểu nữ. Mục tiêu đặt ra là như vậy nhưng thực tế, tỷ lệ phụ nữ tham chính còn thấp, vẫn còn thiếu cán bộ nữ có tiếng nói khi quyết định trong một số lĩnh vực quan trọng, chủ yếu phụ nữ vẫn chỉ ở cấp phó - cấp được đánh giá có thực quyền ít hơn.

Có thể chỉ ra một vài nguyên nhân. Trước hết là do những định kiến về giới. Không ít người cho rằng, phụ nữ hãy làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham chính là việc của đàn ông. Tư tưởng cố hữu đó dẫn tới hệ quả, nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền chưa có chiến lược quy hoạch đào tạo công tác cán bộ nữ, chỉ khi cần mới đi tìm. Lúc này, người trẻ thì chưa qua đào tạo, chưa đủ tiêu chuẩn, không trong cơ cấu, người đã qua đào tạo cơ bản thì lại không còn trong độ tuổi. Nhận thức quyền lực về giới còn tồn tại ở một bộ phận cử tri. Ngay cả nữ cử tri cũng không thấy được tầm quan trọng của người sẽ đại diện, nói lên tiếng nói của phái mình nên khi bỏ phiếu đã loại ứng cử viên nữ.

Đến thời điểm này, chúng ta đã xong các bước tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chưa có số liệu tổng hợp tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trên toàn quốc. Thế nhưng để đạt tỷ lệ nữ đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước, tối thiểu 30% như mục tiêu đặt ra là thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao và sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Cùng với đó, cử tri, nhất là cử tri nữ cần tự giác, tích cực, chủ động nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử, tham gia các buổi tiếp xúc với người ứng cử để sáng suốt lựa chọn, bỏ phiếu cho các nữ ứng viên.

Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính thông qua bầu cử chính là trao cho họ cơ hội được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội./.