Cách đây 2 tháng, ngày 16/4, Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh 7,5 triệu đồng do thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Nhưng có lẽ, với một đại gia “số má” như bà Hằng, việc xử phạt vi phạm hành chính như vậy chẳng thấm tháp vào đâu.

Vậy nên suốt trong tháng 5 vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng vẫn liên tục lên mạng xã hội tiến hành những buổi livestream kéo dài. Ngày 28/5, một lần nữa, Sở TT-TT thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, đã có buổi làm việc với đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Phương Hằng, Theo đó, bà Hằng cam kết sẽ không livestream có nội dung, phát ngôn xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, hay những ngôn từ gây phản cảm…Thế nhưng sau đó, các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng vẫn cứ diễn ra.

Nội dung mà bà Hằng thông tin trong các buổi livestream có chính xác hay không thì chưa được kiểm chứng hay chỉ được kiểm chứng một phần trong thực tế. Thế nhưng việc bà Hằng chửi bới, sỉ nhục nghệ sĩ và nhiều người khác bằng những lời lẽ khó nghe, thậm chí gọi họ là heo, là chó... là một cách hành xử phản cảm, gây ảnh hưởng tới cộng đồng khi đối tượng theo dõi các phiên livestream của bà có không ít vị thành niên và các em nhỏ.

Nhiều người tán dương bà Hằng cho rằng bà dám lên tiếng trước những việc làm không đúng. Nhưng số người cảm thấy bất bình cũng không phải là ít. Bởi thấy hiện tượng sai trái có quyền phê phán nhưng không nên mạt sát, nhục mạ, dọa nạt. Thêm nữa, nếu người khác có hành vi vi phạm hoặc phạm tội, có chứng cứ, bà Hằng hoàn toàn có thể cung cấp cho ngành chức năng điều tra, xử lý.

Không chỉ bà Hằng mà thời gian gần đây, nhiều KOL, streamer đã sử dụng nhiều chiêu chức trên mạng xã hội để gia tăng ảnh hưởng cá nhân, trong đó có kiểu chửi bới, bóc phốt, công kích hạ nhục người khác. Cung cấp "món ăn khoái khẩu" cho cộng đồng mạng và càng đông người theo dõi, like, share, họ càng ảo tưởng về sức mạnh, vai trò của mình với cộng đồng. Quyền lực ảo khiến họ như trong men say chiến thắng, tiếp tục có những hành vi gây nhiễu loạn xã hội với mức độ ngày càng gia tăng và coi thường cả những cảnh báo. Hành vi ấy cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự: danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Nói cách khác, hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm sẽ có chế tài xử phạt phù hợp.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cũng quy định: các hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…. đều có thể bị phạt tiền. Nếu tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) cũng chịu hình thức phạt tiền. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác còn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Trường hợp hành vi lăng mạ người khác trên mạng xã hội có dấu hiệu nghiêm trọng thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý tội Làm nhục người khác hoặc Vu khống.

Trước pháp luật mọi người đều có quyền bình đẳng, không có trường hợp ngoại lệ. Việc livestream trên mạng xã hội là quyền của mỗi người, ai cũng có quyền nói, quyền nêu ý kiến cá nhân nhưng phải tuân thủ các qui định của pháp luật, và không thể để những việc làm đó tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác./.