Đau khổ phẫn uất trước cách cư xử của con trai, con dâu đổi với mình. Người mẹ già đã viết thư tâm sự với chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi và đã nhận được nhiều chia sẻ từ thính giả và từ biên tập viên của chương trình:

Từ xưa đến nay, những câu chuyện con dâu hỗn hào, cãi láo với bố mẹ chồng quả thực là không hiếm. Chương trình của chúng tôi cũng đã rất nhiều lần chia sẻ với các nhân vật về những tình huống tương tự như thế này. Và thú thực là: mỗi lần như thế tôi vẫn không khỏi nhói lòng, xót xa cho các đấng sinh thành. Có một câu danh ngôn rằng: Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau. Còn những gia đình bất hạnh thì lại hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn muốn phát sóng câu chuyện của bà để mọi người cùng tham gia góp ý phần nào gỡ rối và an ủi bà. Cả cuộc đời bà, tôi thấy nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Mang bầu, sinh con, nuôi nấng con đến khi trưởng thành bà chỉ có một thân một mình, lấy vợ cho con cũng chỉ một tay bà lo liệu. Gieo hạt màu, nhưng bà lại gặt được quả đắng. Thật là chua xót.

Đạo lý truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay là: con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Trong Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Con bà không những không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình, mà thậm chí lại còn hỗn láo, bất nghĩa đối với bà.

Người ta vẫn bảo “con dâu khác máu tanh lòng”, cho nên giữa nàng dâu với mẹ chồng bao giờ cũng có những va chạm nhất định. Tuy nhiên, mỗi một người cần phải dung hoà cá tính và quan niệm sống của mình để mối quan hệ này nếu không tốt đẹp theo đúng nghĩa của nó thì cũng là nhường nhịn nhau để chung sống trong hoà bình. Thế nhưng, con trai của bà cũng đối xử với bà không ra gì thì thật không còn điều gì để nói nữa. Thính giả đêm nay đã có nhiều góp ý đối với bà, có người khuyên bà là nên coi như mình chỉ có 1 thân 1 mình không có con cái gì cả để sống cho nhẹ lòng. Đó cũng là một cách, nhưng tôi nghĩ, với một người làm mẹ, điều đó khó có thể thực hiện được. Bà đã không thể để cho gia đình của đứa con trai độc nhất phải ở trong căn nhà rách nát, bà đã không thể chịu đựng được khi nghe tiếng khóc của đứa cháu nhỏ, thì bà sẽ và mãi mãi không thể bỏ lơ con cháu của mình, mà sẽ luôn quan tâm đến chúng. Nhiều người cũng đã trách bà, do quá nuông chiều con trai từ bé nên giờ mới ra nông nỗi này, tôi nghĩ, họ cũng đúng một phần. Tuy nhiên, “dạy con từ thở còn thơ” giờ thì không thể làm lại được nữa. Vì thế, theo tôi, bà cũng đừng nên suy nghĩ nhiều làm gì. Nhà thì đã ở riêng, sinh hoạt hàng ngày cũng riêng rẽ, bà hãy lo cho sức khoẻ của mình, hãy dành thời gian để vui vầy với làng xóm, cộng đồng, những người thông cảm với hoàn cảnh của bà. Nên lạc quan mà nghĩ rằng: biết đâu, đến khi bà không còn quan tâm nữa, con trai và con dâu bà lại nhận ra khoảng thiếu vắng và sẽ cư xử đúng mực hơn đối với mẹ của mình. Mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bà./.