Xưa nay, chúng ta vẫn quan niệm, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Thế nhưng, ở một số gia đình vai trò ấy lại bị đảo ngược. Điều này khiến người phụ nữ mang trong lòng nhiều phiền muộn, thậm chí có phần coi thường, bất mãn về chồng. Nhất là khi anh chồng ấy lại không có chí tiến thủ, chấp nhận lui về đảm nhận công việc nội trợ. Làm sao để chồng thay đổi đây? Đó là điều nhân vật băn khoăn.

Sau khi câu chuyện được phát sóng, nhiều thính giả động viên và chia sẻ với nhân vật:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi điều muốn chia sẻ với nhân vật như thế này:

Đọc lá thư chị gửi về chương trình, phần nào đó tôi rất hiểu tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của chị. Bởi, tôi cũng đã từng trải qua một khoảng thời gian khủng hoảng như vậy. Khi chồng cứ làm đâu là đổ bể ở đó, khiến kinh tế gia đình suy kiệt. Lúc đó, tôi cũng như chị hiện tại, luôn nung nấu trong đầu ý định ly hôn để giải thoát cho mình.

Chị ạ, phụ nữ chúng mình ai chẳng mong lấy được người đàn ông vừa vững về kinh tế, vừa biết yêu thương vợ con, vừa biết san sẻ gánh vác mọi việc trong gia đình. Thế nhưng, ở đời đâu có ai hoàn hảo. Đến chính bản thân tôi, hay chị, hay rất nhiều người phụ nữ khác cũng có nhiều khuyết điểm. Vậy thì, tại sao chúng ta lại cứ áp đặt tiêu chuẩn quá lớn cho người bạn đời của mình, tại sao cứ phải bắt anh ấy hoàn hảo.

Điều khiến tôi cảm thấy vui nhất khi đọc những dòng tâm tư của chị đó là chị cũng đã nhìn nhận được những điểm tốt của chồng chị. Thực tế, có rất nhiều người không làm được điều đó. Khi người khác không làm hài lòng họ, họ sẽ chỉ chăm chăm nhìn vào những điểm yếu kém, điểm xấu ấy để mà chì chiết, đay nghiến. Tôi nghĩ rằng, học cách ghi nhận những điểm mạnh, điểm được của đối phương cũng là một trong những cách để hôn nhân bền vững hơn.

Người ta vẫn nói “của chồng công vợ”, trong thành công của người này chắc chắn có sự ủng hộ, hỗ trợ của người còn lại. Dẫu rằng, chồng chị không giỏi làm kinh tế, nhưng ngược lại, anh ấy đã thay chị chăm sóc gia đình chu đáo để chị yên tâm dành nhiều thời gian hơn cho công việc, để chị có điều kiện phấn đấu và thành công. Hơn nữa, như chị đã chia sẻ, nếu giờ ly hôn, chị hoặc phải thuê nhà, hoặc phải nhờ ông bà ngoại chăm sóc con, bởi chị không thể đảm đương nổi cả hai việc cùng lúc. Vậy thì rõ ràng anh ấy đang thay chị làm rất tốt công việc chăm sóc gia đình. Chị đừng quá bận tâm về việc đàn ông phải thế này, đàn bà phải thế kia, để áp đặt vai trò, trách nhiệm của mỗi người. Hãy nghĩ rằng, ai làm tốt việc gì hơn thì người ấy hoàn toàn có thể đảm đương công việc đó. Đã bao giờ chị nghĩ, nếu đổi lại vị trí, chồng chị ra ngoài kiếm được nhiều tiền thì liệu anh ấy có còn quan tâm đến các con, có chăm sóc gia đình thay chị không? Hay chị sẽ vẫn đi làm và vẫn phải đảm đương mọi việc trong gia đình. Có thể khi ấy kinh tế dư dả sẽ khiến chị thoải mái hơn. Nhưng cuộc sống như hiện tại, liệu có còn tồn tại?

Vấn đề khiến chị cảm thấy hôn nhân nhàm chán có thể bắt nguồn từ việc chị thấy chồng mình là một kẻ thất bại, không làm việc gì nên hồn và trong lòng chị, ít nhiều có sự coi thường chồng. Dù chị không nói thẳng điều đó, nhưng rất có thể trong lời nói, cử chỉ, hành động, chị có biểu hiện ra bên ngoài. Đàn ông khi thua kém vợ về kinh tế, họ thường rất mặc cảm và tự ti. Việc anh ấy không muốn trao đổi với chị về việc đi làm, kiếm tiền cũng phần nào thể hiện điều đó.

Tôi nghĩ rằng, anh chị nên cùng ngồi lại với nhau để nói rõ hết tất cả những khúc mắc ở trong lòng. Chị đã từng bao giờ tìm hiểu nguyên nhân tại sao anh thất bại hết lần này tới lần khác. Đã bao giờ chị cùng đồng hành với anh, chia sẻ với anh trong công việc để cùng anh tháo gỡ? Hay chị coi việc của anh là của anh, không liên quan gì tới chị. Hoặc nếu có thì cách chia sẻ của chị đã thực sự phù hợp chưa? Lúc anh thất bại chị có buông những lời chê bai, trách cứ hay không? Thực tế, nhiều lúc chúng ta làm tổn thương nhau chỉ bởi những lời nói vô tình, trong một lúc không kiểm soát được cảm xúc, mà bản thân chúng ta cũng không ý thức được. Tôi cảm nhận được ở vợ chồng chị cũng đang gặp phải vấn đề này.

Hẳn nhiên khi vợ chồng không có tiếng nói chung, không cùng nhìn về một hướng thì rất dễ dẫn đến rạn nứt tình cảm. Để vun đắp lại rất cần sự cố gắng của cả hai mà không có cách nào khác ngoài việc phải trò chuyện với nhau. Chỉ đến khi cả hai hiểu và thông cảm cho nhau, cuộc sống hôn nhân của anh chị sẽ dần được cải thiện. Và lúc này mới là lúc chị cùng bàn bạc với anh về công việc. Có thể cùng suy nghĩ đầu tư kinh doanh gì nho nhỏ hoặc có thể cùng anh tìm một công việc nào đó phù hợp. Tôi tin rằng, với sự khéo léo, tế nhị của người phụ nữ thì mọi vướng mắc đều được hóa giải. Chúc chị sớm tìm được hướng đi đúng đắn cho mình.