Tâm lý chán nản sau Tết
Cả một năm làm việc, học tập căng thẳng, không ít người coi dịp Tết như điểm dừng chân nghỉ ngơi giúp nạp năng lượng chuẩn bị cho một năm mới. Thế nhưng, có những người sau khi dừng chân lại chưa chịu tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chỉ cần lướt một vòng các trang mạng xã hội, chẳng khó để bắt gặp những bài đăng nói về sự chán nản khi quay trở lại làm việc.
Hiện tượng này được giới tâm lý gọi là “buồn chán sau kỳ nghỉ”, và có thể mang đến cảm giác lo lắng, miễn cưỡng khì phải chuyển từ niềm vui và thư giãn của Tết sang vòng quay cuộc sống, công việc. Chính điều này đã khiến mọi việc sau kỳ nghỉ của chị Phương Thúy, nhân viên Nghiên cứu thị trường đều trở nên chậm chạp, rệu rã.
“Năm nào, mình cũng phải mất vài ngày đến cả tuần để xốc lại tinh thần làm việc. Ra Tết chỉ muốn được đi du xuân, café tán gẫu với bạn bè, được nghỉ ngơi vì trong những ngày Tết mình cũng khá bận rộn khi tiếp khách rồi đi chúc Tết mọi người. Lúc mình muốn được nghỉ ngơi nhất lại là thời điểm quay trở lại công việc. Với tâm lý mệt mỏi, chán nản nên công việc cũng kém hiệu quả hơn trước”, chị Thúy chia sẻ.
Dù đã chuẩn bị tâm lý cho việc quay trở lại công việc hàng ngày sau những ngày ăn, ngủ, chơi thoải mái, nhưng anh Tuấn, 27 tuổi, ở Định Công, Hà Nội vẫn không thoát khỏi cảm giác uể oải, lười biếng khi nghĩ tới chu trình lặp đi lặp lại sáng dậy sớm đi làm, chiều tối về nhà khiến anh chỉ muốn kéo dài thêm kỳ nghỉ Tết. Sau gần 10 ngày nghỉ Tết, anh Tuấn quen với việc thức khuya xem phim, tụ tập cùng bạn bè và ngủ nướng đến tận trưa. Việc quay lại nhịp sống thường ngày bỗng trở thành thử thách.
“Cho mình thêm ngày nghỉ đi. Tại sao nghỉ Tết có từng ấy ngày? Đấy là những suy nghĩ của em. Ngày nghỉ toàn 2 – 3h sáng em mới ngủ. Giờ nghỉ ngơi quá ít nên lúc nào em cũng chỉ muốn được nghỉ thêm. Em đi làm nhưng thực ra không phải đi làm mà chỉ là để chơi. Mở máy tính ra chẳng muốn làm gì chỉ ngồi chơi game hoặc nói chuyện, chat chit với đồng nghiệp, với bạn bè”, anh Tuấn giãi bày.
Kỳ nghỉ Tết kéo dài, mọi người có nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè cũng như nghỉ ngơi, đi chơi… nên nhịp sống hàng ngày gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Khi quay trở lại với công việc, bạn Hải ở Quan Nhân, Hà Nội cũng rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi, thậm chí còn đếm từng giờ để được ra về.
Trở lại làm việc hiệu quả sau kỳ nghỉ Tết
Các chuyên gia tâm lý cho biết sau kỳ nghỉ Tết hay những chuyến du lịch, nhiều người nảy sinh tâm lý mệt, muốn chơi tiếp, khó trở lại với công việc. Đó có thể là cảm giác cô đơn, trống rỗng, chán nản, căng thẳng... và đây là những hiện tượng tâm lý hoàn toàn bình thường, do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột trong thói quen sinh hoạt. Cùng với đó là cảm giác sợ phải đối diện với công việc hay các mục tiêu cần phải thực hiện. Trong khi cơ chế phòng vệ phổ biến trong tâm lý con người là “Cơ chế phòng vệ né tránh”, nghĩa là con người có xu hướng không nhắc đến, không tiếp xúc với những người, những điều mà con người cảm thấy không thoải mái, sợ đối diện.
Ví dụ như nhiều người biết rằng khi quay trở lại làm việc, sẽ còn rất nhiều các kế hoạch, mục tiêu cần thực hiện, rồi thì yêu cầu của sếp giao thực hiện… do đó, họ có tâm lý là mong muốn trì hoãn thực hiện những điều mà bản thân họ chưa thực sự mong muốn làm hoặc chưa có khả năng làm tốt đó.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là do tính chất công việc quá căng thẳng, vất vả, yêu cầu cường độ làm việc cao, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ phép ít nên nhiều người có tâm lý muốn được nghỉ càng nhiều càng tốt để có thời gian nghỉ ngơi và dành cho các hoạt động cá nhân.
Tuy nhiên, những cảm xúc này chỉ được coi là bình thường khi chúng ta sớm cân bằng cuộc sống nhưng với một số người cảm xúc tiêu cực sẽ kéo dài sẽ có những tác động tiêu cực như: các hoạt động bị trì trệ, tâm lý mọi người không thoải mái. Thậm chí, nhiều người đã có quyết định nông nổi, dựa theo cảm xúc như nghỉ việc, bảo lưu học tập trên trường. Điều này dẫn đến việc vào đầu năm mới, không ít công ty phải đối diện với việc thiếu nhân lực.
Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, mỗi người nên xác định thời gian nghỉ lễ là khoảng thời gian để tái tạo sức lao động, vun đắp tình cảm gia đình, người thân, bạn bè, không nên coi đó là mục tiêu cuộc sống. Nếu như chúng ta đặt ra mục tiêu chỉ là được nghỉ bao nhiêu ngày, đi chơi bao nhiêu ngày thì khi phải làm việc một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ cảm thấy thiếu động lực để duy trì nhiệt huyết công việc và không còn động lực để cố gắng.
Để nhanh chóng lấy lại nhịp sống và cải thiện hiệu suất làm việc, Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh khuyên mọi người nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt càng sớm càng tốt, đặc biệt là đảm bảo ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh. Cùng với đó là hãy bắt đầu với những nhiệm vụ nhỏ, dễ thực hiện. Đừng vội lao vào công việc với cường độ cao ngay lập tức. Việc hoàn thành những việc đơn giản trước sẽ đem lại cảm giác thành công, tạo động lực tiếp tục làm việc. Hơn nữa, cần tăng cường vận động. Tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng, đi bộ hoặc thực hiện vài động tác giãn cơ tại chỗ giúp cơ thể tỉnh táo và giảm cảm giác trì trệ.
Có thể nói, cảm xúc hụt hẫng, chán nản, uể oải sau kỳ nghỉ Tết là một trạng thái tâm lý bình thường mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Thực tế, không có một mẫu số chung nào để giúp mọi người thoát ra khỏi tâm lý “căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ”. Có những người sẽ mất vài ngày, có người mất đến cả tuần, cả tháng để làm việc, học tập trở lại. Chính vì vậy, thay vì trì hoãn làm việc, tiếc nuối kỳ nghỉ đã qua, mỗi người cần tự tạo cho mình niềm vui, sự hứng khởi trong cuộc sống, công việc.
Mời nghe cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam