Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…
Những câu thơ trong bài “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên gợi lên một hình ảnh đẹp về những ông đồ cho chữ mỗi độ Tết đến, xuân về đã gắn với bao thế hệ người Việt Nam.
Xin chữ là một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến.
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Xuân về, khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại rộn ràng hội chữ Xuân. Hình ảnh những ông đồ, bà đồ trong trang phục áo dài, khăn đóng, mỗi người một tập giấy Xuyến chỉ hay giấy Dó… vài chiếc bút lông và nghiên mài mực càng tôn thêm vẻ lịch lãm, trang trọng của không gian cho chữ và xin chữ.
Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt, họ đã sum tụ lại trên mảnh đất tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cùng nhau khôi phục và gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Mỗi người xin chữ theo mong muốn của mình nhưng tâm lý chung là cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, bình an, mạnh khỏe.
Xin chữ, cho chữ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt từ xưa, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, sự trân quý giá trị của chữ nghĩa. Vì thế, người viết thư pháp không chỉ cần nét chữ đẹp mà phải hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng chữ mình viết ra cũng như tâm nguyện của người xin chữ để tư vấn cho hợp lý.
Chữ được cho thường được viết trên nền giấy đỏ bởi màu đỏ theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn, vậy nên trong ngày Tết mọi thứ như: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi... đều có màu đỏ. Qua từng nét chữ, những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét bút uyển chuyển. Mỗi chữ thầy đồ viết không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.
"Những người đi xin chữ thường mang một tâm niệm tốt đẹp với khát vọng vươn lên trong sự nghiệp, cuộc sống. Đó là một nét văn hóa, mang tính chân thiện mỹ. Khi người dân xin chữ về mà cảm thấy vui thì chúng tôi cho chữ cũng thấy rất vui", ông đồ Nguyễn Tường Khải bày tỏ.
Các cụ xưa thường nói: “Nét chữ nết người” nên những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Và việc mỗi năm tổ chức không gian hội chữ xuân ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã góp phần tạo thêm nét đẹp văn hóa truyền thống những ngày đầu Xuân.
Bên vẻ trầm mặc, thiêng liêng của trường Giám xưa, “hồn dân tộc lại sáng bừng trên giấy điệp” qua những nét thư pháp tài hoa của các ông đồ mới. Và những ngày Hội chữ Xuân đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam, tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc.
Mời nghe nội dung bài viết tại đây: