Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Trung Quốc, đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản trong phương pháp giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ. Đồng thời, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển đã tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Trung Quốc.
Với sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, Trường đại học Mở Hà Nội đã tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số vào quá trình đào tạo. Nhà trường cũng là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc.
TS Nguyễn Minh Phương cho biết, trong nhiều năm qua, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường Đại học Mở Hà Nội đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế là một trong những địa chỉ đào tạo tiếng Trung Quốc uy tín tại Việt Nam. “Với triết lý "Mở": Mở cơ hội, Mở trái tim, Mở trí tuệ, Mở tầm nhìn, Mở tương lai, chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế. Đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy ngôn ngữ”, TS Nguyễn Minh Phương khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, xây dựng cộng đồng giáo dục mở trong thời đại mới, bà Yang Lihong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Vân Nam, Trung Quốc cho biết, Trường ĐH Mở Vân Nam xây dựng nền tảng giảng dạy tiếng Trung trong giáo dục mở, nhằm thúc đẩy việc phổ biến tiếng Trung tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Tháng 4/2020, Trường ĐH vân Nam đã thành lập “Học viện Mở Lan Thương-Mekong”. Đây là cơ sở để xây dựng “Nền tảng Học tập Xuyên biên giới của Học viện Mở Lan Thương-Mekong, Đại học Mở Vân Nam”, triển khai giảng dạy tiếng Trung trực tuyến thông qua các phương tiện công nghệ thông tin số hóa.
Nhằm thúc đẩy quốc tế hóa nguồn lực giảng dạy, đặc biệt là nguồn lực giảng dạy tiếng Hán trong giáo dục quốc tế, Trường ĐH Mở Vân Nam đã dựa vào Học viện Mở Lan Thương để khám phá mô hình phát triển giáo dục quốc tế "Tiếng Hán + Kỹ năng nghề nghiệp" và mô hình ứng dụng giáo dục quốc tế mới dựa trên "Trực tuyến + Trực tiếp + Thực hành".
Đại học Mở Vân Nam cũng chủ trương tận dụng thế mạnh của mình để tăng cường hợp tác và giao lưu với các nước Nam Á, Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tiếng Hán quốc tế.
Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó giúp việc học, tiếp thu kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian. Hiện tại, chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính là: ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong quản lý và ứng dụng công nghệ trong lớp học.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai chuyển đổi số trong giáo dục bằng hàng loạt các chính sách đã được ban hành. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa...”
Bên cạnh đó, một số chủ trương khác cũng được triển khai như thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó giảng dạy Tin học cho học sinh được chú trọng và bắt buộc ngay từ lớp 3.
Xuất phát từ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, Hội thảo Quốc tế "Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số" nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Trung Quốc trong kỷ nguyên số.
Hội thảo thu hút chuyên gia đến từ các trường đại học của Trung Quốc như Đại học Mở Vân Nam, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam, các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo tiếng Trung ngắn hạn, cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo tiếng Trung Quốc.
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính: "Hợp tác quốc tế trong đào tạo tiếng Trung Quốc" và "Ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc"./.