Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một chính sách quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là nỗ lực không ngừng vì bình đẳng giới và chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em mà còn hướng đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, là người dân tộc thiểu số thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật, nạn nhân bị mua bán, bạo lực gia đình và các vấn đề xã hội khác.

Sau 3 năm triển khai Dự án, tại 40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án đã tập trung vào đẩy mạnh thực hiện các nội dung: tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số và nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lò Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc – Tôn giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình, tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

“Một số rào cản, thách thức vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: việc làm, sinh kế và định hướng nghề nghiệp; hạn chế trong tiếp cận với dịch vụ công, dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận thông tin, nguồn vốn; các vấn đề xã hội như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh đẻ nhiều, đẻ dày và sinh con tại nhà, mù chữ, tái mù chữ, bạo lực gia đình; thách thức trong việc chuyển đổi số…”, bà Lò Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các ngành liên quan và các chuyên gia, những người quan tâm đến công tác bình đẳng giới đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin, công bố kết quả nghiên cứu làm nguồn tài liệu quý giá, giúp cho việc hoàn thiện và định hướng chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, cần có sự đầu tư về kinh phí và nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động cho Tổ tuyên truyền cộng đồng. Hình thức tuyên truyền đa dạng như: tuyên truyền trực tiếp, các kênh truyền thông đại chúng, trang thông tin điện tử của các cấp Hội, của địa phương, qua mạng xã hội và tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông quan triển lãm lưu động... (Trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp). "Đặc biệt đối với mô hình sinh kế, phát triển kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đề nghị được điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng chỉ lựa chọn một số mô hình có khả năng phát triển để thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa".

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần đa dạng các chủ đề đối thoại, đặc biệt chú trọng những vấn đề mới nảy sinh tại địa phương. Cần mở rộng đối tượng tham gia vào các hoạt động đối thoại, đặc biệt là nam giới hay các nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc vùng Dự án.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề xuất, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, trách nhiệm của gia đình, cha mẹ và người dân trong thực hiện quyền trẻ em. Tổ chức các lớp học làm cha mẹ nhằm giúp phổ biến phương pháp dạy con phi bạo lực, các kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Xây dựng các mô hình thực hiện quyền trẻ em tại cộng đồng, huy động trẻ em tham gia bảo vệ quyền trẻ em. Tổ chức các Diễn đàn trẻ em để trẻ em có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tham gia vào các vấn đề liên quan…

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và Hội LHPN các tỉnh. Trong đó, các vấn đề tập trung ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội từ y tế và chăm sóc sức khỏe đến giáo dục, vấn đề hôn nhân gia đình, vấn đề sinh kế và việc làm, tham gia vào đời sống chính trị của phụ nữ và tác động/ảnh hưởng của thiên tai/biến đổi khí hậu đến đời sống của phụ nữ, trẻ em.

Đây là những cơ sở quan trọng để Hội LHPNVN tiếp tục điều chỉnh, đề xuất các mô hình, hoạt động cụ thể, đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.