Không quá khó để thấy, thậm chí nhan nhản những quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng. Kiểu diễn viên A đã dùng thuốc trĩ, nghệ sĩ B sử dụng thuốc chữa đại tràng, ngưởi nổi tiếng C sử dụng sữa cho người tiểu đường v.v… Người nổi tiếng cứ có đơn đặt hàng là nhận lời đóng quảng cáo, mà lại là quảng cáo theo kiểu trải nghiệm sản phẩm. Hàng triệu người dân cứ thế tin vào lời giới thiệu của người nổi tiếng để mua sản phẩm. Trong khi người nổi tiếng thì không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Rất nhiều người rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang” vì tin vào người đại diện thương hiệu, người quảng cáo sản phẩm chỉ vì họ là người nổi tiếng. Tuy nhiên, thực tế chất lượng hàng hóa không tương xứng, thậm chí sai lệch so với quảng cáo. Đáng nói hơn, khi bị phát giác, họ chỉ lên tiếng xin lỗi là xong.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng việc xin lỗi thôi là chưa đủ: “Việc xin lỗi là cần thiết và chúng ta nên khuyến khích để người làm sai biết nhận lỗi về mình. Nhưng xin lỗi suông là chưa đủ mà phải khắc phục lỗi mà mình gây ra. Khắc phục phải làm 2 việc đồng thời, 1 là tự nguyện tự giác khắc phục, 2 là phải thực hiện chịu phạt của pháp luật đối với mình một cách nghiêm túc”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ VHTT&DL cho biết, đơn vị này này đã phối hợp kiểm tra xác minh xử lý quảng cáo vi phạm của biên tập viên Quang Minh và Vân Hugo quảng cáo sữa Hiup. Trong quá trình xác minh, cơ quan chức năng xác định hai cá nhân trên có hành vi quảng cáo không đúng với các nội dung về sản phẩm đã được nhà sản xuất công bố với các cơ quan chức năng ngành y tế.

Dù BTV Quang Minh đã thừa nhận sai lầm và xin lỗi trên trang cá nhân của mình rằng: “Tôi đã không đủ cẩn trọng. Đây là một sai lầm và cũng là bài học cay đắng trong sự nghiệp. Tôi xin lỗi vì đã khiến khán giả thất vọng” nhưng anh vẫn bị phạt 37,5 triệu đồng vì hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định và quảng cáo sử dụng tên của đơn vị vi phạm điểm a, Khoản 4, Điều 52, Nghị định 38. Còn MC Vân Hugo bị phạt 70 triệu đồng vì vi phạm quy định về quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng sản phẩm. Thời gian tới, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng sẽ xử lý mạnh tay hơn đối với một số trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng để làm điểm.
Đồng tình với việc cần phải chấn chỉnh hoạt động quảng cáo đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng, NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: "Quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nhất quán rằng, bất kỳ ai đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi nói sai, quảng cáo sai, bán hàng sai sự thật. Tất nhiên là những người nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng không ngoại lệ. Và nghệ sĩ, người nổi tiếng còn có trách nhiệm xã hội nữa nên càng cần phải nghiêm túc hơn. Tôi xin nhấn mạnh rằng bất kỳ ai cũng phải chịu trách nhiệm pháp luật khi mình làm sai".

Nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp Hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, thực tế, người dân hiện vẫn tin vào quảng cáo, vì vậy nghệ sĩ, người nổi tiếng phải có trách nhiệm liên đới đối với phát ngôn, quảng cáo về chất lượng sản phẩm: “Cần cảnh tỉnh, cảnh báo cho những người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng để họ hiểu rằng sức ảnh hưởng của họ có thể gây ra hậu quả rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, thậm chí là ảnh hưởng đến xu hướng của xã hội nữa. Cho nên mục đích đưa ra lần này để cảnh tỉnh và chúng ta bắt buộc phải xử lý những trường hợp nào đã biết nhưng vẫn cố tình làm sai. Việc người nổi tiếng liên đới chịu trách nhiệm là điều chắc chắn phải có, phải tuân thủ một cách nghiêm túc nhằm bảo vệ người tiêu dùng”.

Hiện nay Luật quảng cáo đã có những quy định rất chặt chẽ về hình thức, nội dung, điều kiện quảng cáo, cũng như xác định rõ những hành vi, hàng hóa và dịch vụ cấm quảng cáo. Tuy nhiên, với sự phát triển của hoạt động quảng cáo xuyên biên giới cũng như đa dạng về nền tảng, theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Gia đình và Thư viện, Bộ VH-TT&DL nghệ sĩ, người nổi tiếng khi thực hiện hoạt động quảng cáo cũng cần tuân thủ chặt chẽ những quy định mà điều kiện tiên quyết là phải có hợp đồng: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo khi thực hiện các hoạt động quảng cáo thì phải có hợp đồng quảng cáo; phải có trách nhiệm, phải nói rõ mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo và phải nói về tính năng, tính chất cụ thể của hoạt động quảng cáo, khi thực hiện hoạt động đó phải có giấy xác nhận của đơn vị, tổ chức các hoạt động quảng cáo đó”.
Hoạt động quảng cáo không chỉ đơn thuần là giới thiệu sản phẩm mà còn liên quan đến việc gây dựng lòng tin của người tiêu dùng, là vấn đề văn hóa kinh doanh. Do vậy, hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên không gian mạng hiện cần được siết chặt. Trong đó, nghệ sĩ, người nổi tiếng hơn ai hết cần nêu cao trách nhiệm pháp lý, đạo đức xã hội, đừng vì lợi nhuận mà đánh đổi uy tín cá nhân, lòng tin công chúng và đối mặt với hậu quả pháp lý.