Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày Du lịch thế giới năm 2023, với chủ đề "Du lịch và đầu tư xanh" đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh để hướng tới phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng trở thành một xu hướng, là yêu cầu và định hướng chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, để các chính sách, các định hướng phát triển du lịch ấy được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Hiện nay, toàn cầu đang phải đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu. Du lịch là một ngành hoạt động rất nhạy cảm đối với những diễn biến của thời tiết, khí hậu nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, thiên tai và như vậy ngành du lịch là ngành cũng chịu hậu quả rất lớn của sự biến đổi khí hậu. Ngành du lịch cũng được đánh giá là ngành có thể tác động rất lớn đến việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch là một trong những hoạt động rất cơ bản của nhiều quốc gia trên thế giới với sự tham gia của rất nhiều người. Theo thống kê của tổ chức du lịch Liên Hợp quốc, có hơn 1 tỷ người đi du lịch hàng năm và như vậy, sự vào cuộc và nhận thức của những người đi du lịch mong muốn bảo vệ trái đất, mong muốn hạn chế tác động của biến đổi khí hậu sẽ quan tâm đến phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh.

Ông Vũ Quốc Trí – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, phát triển du lịch xanh chính là con đường để chúng ta có thể đạt được mục tiêu bền vững. Việt Nam không còn là điểm đến mới nổi nữa mà hiện là một quốc gia phát triển du lịch có khả năng cạnh tranh. Việt Nam đã trưởng thành, đã mở rộng và trở thành một đối thủ đáng gờm trong khu vực, có tính cạnh tranh cao. Để tiếp tục các lợi ích du lịch mang lại, Việt Nam cần phải duy trì tốt năng lực cạnh tranh này, đạt được sự bền vững, tiếp tục củng cố các tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch xanh sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh của mình, tạo sự khác biệt trên thị trường du lịch khu vực và quốc tế, như một điểm đến đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm chất lượng cao và bền vững.

Với đặc thù khai thác chủ yếu dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có, để du lịch nước ta có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, không cách nào khác là cần phát triển theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Điều đó đã được khẳng định rất rõ trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy cần phát triển bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh; tối đa hóa của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Thực tế trong thời gian qua, du lịch nước ta đã đạt được những bước tiến dài cả về lượng khách và doanh thu ở thị trường quốc tế lẫn nội địa. Song sự tăng trưởng mạnh mẽ này cũng đang gây ra những áp lực tới cảnh quan, văn hóa, nhất là tại những điểm đến có sự phát triển “nóng”. Ông Vũ Quốc Trí – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, nếu chúng ta quyết tâm đi theo con đường phát triển du lịch xanh để hướng tới một mục tiêu phát triển du lịch bền vững thì chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều lợi ích to lớn. Thứ nhất, chúng ta sẽ sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên văn hóa, tự nhiên trong khi vẫn bảo tồn được tính xác thực, nguyện vẹn của tài nguyên đó. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững, phát triển dài hạn của một quốc gia. Thứ hai là chúng ta có thể đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho các bên liên quan. Các lợi ích đó được phân bổ một cách công bằng hơn, mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên tham gia chứ không chỉ có các doanh nghiệp du lịch. Thứ ba, sẽ giúp cho các điểm đến hấp dẫn hơn về mặt văn hóa, môi trường, thu hút được lượng khách ngày càng ổn định hơn và củng cố nền kinh tế địa phương, tạo nên một xã hội công bằng, hạnh phúc. Thứ tư là chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao của khách du lịch đối với điểm đến.

Xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững ngày càng phổ biến, dần trở thành thói quen trong cộng đồng khách du lịch. Không chỉ tìm kiếm các tour du lịch thân thiện với thiên nhiên, du khách còn tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường tại điểm đến và ủng hộ các dự án du lịch bền vững. Đây là những tín hiệu rất tích cực và tạo động lực cho những người làm du lịch. Chúng ta có thể khẳng định quyết tâm, kiên định con đường và triết lý kinh doanh của mình, đó là phát triển du lịch xanh. Ông Vũ Quốc Trí – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện những chương trình như vậy và đây khẳng định là sự thay đổi trong nhận thức của những người làm du lich, đặc biệt là các cơ quan quản lý du lịch địa phương. Chúng tôi thì rất mong chứng kiến được nhiều hành động thiết thực hơn nữa và chúng ta cũng cần phải nhắc nhở nhau cần tuyệt đối tránh cách làm hình thức, chạy theo phong trào".

Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch xanh được xem là ưu tiên hàng đầu, sự phát triển này thực tế vẫn chưa được sâu rộng. Phân tích về nguyên nhân của thực trạng này, ông Vũ Quốc Trí – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, có một số nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là thiếu sự phối hợp liên ngành. Đây là nhiệm vụ của tất cả các ngành chứ không chỉ là ngành du lịch. Thứ hai là năng lực quản lý điểm đến còn hạn chế. Thứ bà là chưa làm rõ được trách nhiệm của các bên liên quan. Và cuối cùng là thiếu nguồn lực để đổi mới, sử dụng công nghệ xanh trong du lịch.

Thực hiện chuyển đổi xanh trong du lịch không phải là một công việc dễ làm và càng không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là một chiến lược dài hạn cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Tất cả các sáng kiến đều được hoan nghênh, tất cả các nỗ lực đều được động viên, khuyến khích thực hiện. Cần tăng cường trao đổi, đối thoại, hợp tác, phối hợp cùng thực hiện. Cần huy động các chuyên gia tư vấn kỹ thuật trong quá trình thực hiện.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và ông Vũ Quốc Trí – Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam: