Việt Nam là một trong những quốc gia có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng, trong đó phải kể đến văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Theo số liệu thống kê, ở nước ta hiện nay có 16 tôn giáo với 43 tổ chức tôn giáo, khoảng 24,2 triệu tín đồ được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động, chủ yếu là tín đồ của các tôn giáo chính như: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Tin Lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo…. Xét về tổng thể, các tín đồ, chức sắc, chức việc ở mỗi một tôn giáo đều thể hiện sự đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, do mặt trái của hội nhập quốc tế và âm mưu của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống tôn giáo ở nước ta chịu nhiều tác động tiêu cực như sự xuất hiện của các hội, nhóm tín ngưỡng tôn giáo lạ: Hội thánh Giê sùa, Tin lành Đề ga, Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, Thanh Hải vô thượng sư, tà đạo Hà Mòn, Bà cô Dợ, đạo bà Điền, Pháp lý vô vi khoa học huyền bí Phật pháp, Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam...
Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học, nghệ và sự phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội trên không gian mạng như các website, Facebook, Zalo, vlog, Twitter, YouTube... các hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo lạ này đã tuyên truyền, lôi kéo tín đồ thông qua các hoạt động: đăng hình ảnh quảng cáo, livestream giảng dạy với triết lý tinh vi như mượn giáo lý của tôn giáo chính thống, các phương pháp rèn luyện thân thể, tâm trí được nhiều người biết đến, khuếch trương, lấy ví dụ về số lượng tín đồ, người tin theo…
Bên cạnh các thủ đoạn gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý con người để “thao túng”, hướng người nghe tin theo, qua các buổi sinh hoạt tín ngưỡng, hội nhóm này lợi dụng tín đồ để tuyên truyền mê tín dị đoan để trục lợi, hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận người dân…
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp khẳng định, ở nước ta, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Cùng với đó, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Ép buộc, mua chuộc, hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm đạo đức xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Tổ chức, cá nhân nào có hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy từng tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013 thì cá nhân có hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sẽ bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm này thì mức phạt tiền 4 - 6 triệu đồng.
Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì phạt tù 2 - 7 năm.
Cùng với đó, hành vi dụ dỗ, lôi kéo mọi người tham gia trở thành tín đồ trái với mong muốn của họ, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo vệ, đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.
Theo đó, người nào dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì mức hình phạt cao nhất là 1 năm tù.
Đặc biệt, trường hợp phạm tội có tổ chức, hoặc phạm tội 2 lần trở lên, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, có thể bị phạt tù 1 - 3 năm.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp: