Anh hùng lao động Nguyễn Thị Kim Huế ở xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nay đã ở tuổi 72. Bà là nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh ác liệt. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 17 tuổi, bà Huế viết đơn xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong. Bà được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, đơn vị 759, đội 75, công trường 12. Đơn vị của bà ngày đêm phá đá mở đường, lấp hố bom trên tuyến lửa Trường Sơn để đảm bảo thông suốt những chuyến xe chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc bấy giờ, Đường 12- một nhánh đường Trường Sơn luôn bị bom Mỹ bắn phá khốc liệt hòng làm đứt gãy huyết mạch giao thông trên tuyến. Đơn vị của bà Huế đã thành lập Trung đội quyết tử và bà được chọn làm Trung đội trưởng. Bà Huế nhớ lại: Khi ra làm đường đã cảm nhận cái chết ở trước mắt, trước sau gì cũng sẽ hy sinh. Con người chỉ có chết 1 lần nhưng chết vì Tổ Quốc là cái chết vinh quang nhất. Vì vậy, đội đã làm lễ truy điệu trước - lễ truy điệu sống để anh chị em thỏa lòng.

Những ngày ác liệt ấy, để nhanh chóng lấp hố bom cho xe qua, bà Huế có sáng kiến chuẩn bị sẵn gỗ, tre trên rừng đặt dọc tuyến. Dứt mỗi đợt bom của địch là cả đội lao ra gạt đất vá đường. Có lúc, đội của bà trong 2 giờ đồng hồ đã lấp được 4 hố bom lớn. Với những thành tích trong chiến đấu, bà Huế đã nhiều lần tham dự Ðại hội Thanh niên xung phong toàn quốc, 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Bà Nguyễn Thị Kim Huế nhớ như in tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1967, bà được Bác Hồ gắn huy hiệu Anh hùng.

Chiến tranh kết thúc trở về với đời thường họ ước mơ có một gia đình hạnh phúc. Có chị may mắn lấy chồng, sinh con, nhưng không ít chị vẫn ở một mình côi cút tuổi già. Bà Trần Thị Liên, Hội Cựu thanh niên xung phong phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới cho biết, Ban Công tác nữ thanh niên xung phong ở địa phương luôn hướng tới gắn kết các cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ chị em vượt qua hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.

Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 3 vạn hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong. Trong chiến tranh, hàng vạn người con ưu tú của Quảng Bình đã viết đơn tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, cống hiến máu xương của mình để đường Trường Sơn luôn thông suốt. Tên tuổi của những nữ anh hùng thanh niên xung phong gắn liền với những tuyến đường huyết mạch, ác liệt nhất. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Thu Hiệp, người phụ nữ viết đơn bằng máu của mình để xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, vào cung đường đèo Đá Đẽo ác liệt; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Nậy, được mệnh danh là người Bí thư “Chi bộ thép” dũng cảm, mưu trí, nhiều lần bị thương do bom đạn của địch vẫn không chịu rời trận địa; Anh hùng lao động Nguyễn Thị Kim Huế với sự mưu trí, gan dạ lập được nhiều chiến công, góp sức cho đường Trường Sơn thông suốt...

Những cống hiến của các thế hệ đi trước đã góp phần truyền lửa để thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền” để tiếp tục phục vụ Tổ Quốc.

(Theo Thanh Hiếu/VOV Miền Trung)