Sau nhiều tháng ngày chờ đợi, cuối cùng cán bộ công chức viên chức cũng chính thức được tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024. Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thì “tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang”. Mức tăng này chắc chắn sẽ góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Bên cạnh việc thống nhất sẽ tăng tiền lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng cho tất cả cán bộ, công chức, Chính phủ cũng đã có Nghị định công bố tăng lương tối thiểu vùng 6%, đồng thời tăng 15% với lương hưu, tăng 35,7% với người có công; đối tượng bảo trợ xã hội tăng 38,9%.
Phải nói hiếm có khi nào nước ta thực hiện việc điều chỉnh tiền lương và trợ cấp một cách đồng bộ và toàn diện như thế, tác động đến tất cả các nhóm hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ đối với bảo đảm an sinh xã hội theo hướng ngày càng nâng cao và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Một quốc gia đang phát triển lại trong bối cảnh còn vô vàn khó khăn, để lo cho cả 100 triệu dân không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng với sự chỉ đạo và nỗ lực của Chính phủ, tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công, sẽ dành được khoảng 700 nghìn tỷ đồng thực hiện tăng lương với lộ trình phù hợp. Một quyết tâm được dư luận đánh giá cao và đồng tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, việc tăng lương cơ sở hiện nay chỉ là một giải pháp tình thế. Thậm chí đằng sau những nỗ lực của Chính phủ và cả niềm vui của hàng triệu công chức viên chức, người lao động còn có cả trăm mối lo khác. Cuộc rượt đuổi giữa “giá và lương” dường như chưa bao giờ chấm dứt. Nó như trở thành “quy luật” khi cứ lương tăng là giá cả leo thang. Dẫu Chính phủ đã kịp thời có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm chế gia tăng các mặt hàng thiết yếu, nhất là giáo dục, y tế, xăng dầu... trực tiếp liên quan đến đời sống người lao động nhưng nỗi lo ấy của người hưởng lương vẫn là một thực tế.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là sau tăng lương cũng đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải đối diện với tình trạng thuế thu nhập cá nhân phải nộp cũng tăng theo do quy định về loại thuế này đã quá lỗi thời, lạc hậu. Vẫn biết, đóng thuế là nghĩa vụ công dân phải chấp hành, nhưng chính sách thuế như thế nào là hợp lý hay nói cách khác phải là “khoan thư sức dân” mới là vấn đề đáng bàn.
Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực năm 2007 và lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2014 với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc. Trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần. Số lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân không ngừng tăng qua các năm. Với mức tính như vậy, chắc chắn nhiều người lao động còn phải mòn mỏi cõng thuế và cũng không ít người dù “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều này hẳn nhiên khiến việc tăng lương chưa trọn vẹn ý nghĩa.
Bởi vậy giải pháp trước mắt rất cần sự điều tiết của Chính phủ để không xảy ra những cơn bão giá, khiến người lao động lao đao. Đi cùng với đó là việc sửa luật để điều chỉnh lại cách tính thuế thu nhập cá nhân sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Về lâu dài, có lẽ giải pháp căn cơ vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới, đảm bảo tính khả thi, công bằng, hợp lí, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và nguồn lực của đất nước, tiến tới thực hiện cho bằng được Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương. Một chính sách tiền lương đúng đắn, phù hợp sẽ đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế và đảm bảo một sự đồng bộ trong cơ chế kinh tế thị trường, đang hướng tới hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà từng nói, cải cách tiền lương là vấn đề hệ trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công, mà còn tác động đến hơn 50 triệu người hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện.
Điều đó ai cũng biết và khi triển khai các cơ quan chức năng phải lường trước hết những khó khăn, thách thức đặt ra. Nhưng thiết nghĩ, sau nhiều lần lỡ hẹn cải cách tiền lương thì đây là nhiệm vụ không thể chậm trễ hơn nữa. Thực tế bao lâu nay người làm ở khu vực công không sống được bằng lương, đã buộc phải tìm cách tăng thêm thu nhập để đáp ứng nhu cầu cuộc sống; lâu dần nảy sinh tiêu cực, lợi dụng chính sách, chức vụ, vị trí để mưu cầu lợi ích cá nhân; dẫn tới tha hoá, biến chất, tham ô, tham nhũng. Đó là thực trạng không mong muốn nhưng xét ở góc độ nào đó lại là yếu tố thúc đẩy cho lộ trình sớm cải cách tiền lương.
Trong mọi câu chuyện liên quan đến tăng lương hay phân chia lại tiền lương như đang bàn lâu nay thì “công bằng” là đích đến và là mục tiêu phải đạt được. Và điều đó cũng đúng như những trăn trở và tâm nguyện mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu: “Có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công…”.