Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành TƯ Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Kết luận yêu cầu các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Như vậy, Đảng, Nhà nước một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tiếng Anh trong giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế.

Như GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ: chưa bao giờ yêu cầu hội nhập quốc tế, hay cao hơn nữa là quốc tế hóa nguồn nhân lực và nền kinh tế lại bức thiết và trực tiếp như hiện nay, khi Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và AI. Vậy nhưng, khả năng sử dụng ngoại ngữ và tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ với tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh.

Chúng ta hay nói đến khái niệm “nguồn nhân lực chất lượng cao". Thực tế cho thấy, trong quá trình tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp, tập đoàn đã gặp rất nhiều khó khăn bởi có người giỏi chuyên môn thì lại bị hạn chế về ngoại ngữ và ngược lại, người giỏi ngoại ngữ lại kém chuyên môn.

Nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của tiếng Anh - thứ ngôn ngữ phổ biến toàn cầu, chúng ta đã đầu tư mạnh mẽ cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Bằng chứng là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, đề án 2020 không đạt hiệu quả như mong đợi, nếu không nói là thất bại.

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của đề án này có nguyên nhân thay vì đầu tư đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên thì đề án lại tập trung vào việc mua sắm trang thiết bị. Trong khi đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy- điểm mấu chốt tạo nên sự chuyển biến trong dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng lại chưa được đầu tư đúng mức.

Một vấn đề lớn và khó khăn nữa đó là điều kiện học và thực hành trong hệ thống nhà trường, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn. Biểu đồ phổ điểm môn tiếng Anh qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy: năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam không đồng đều, thí sinh ở các tỉnh, thành phố lớn thường có kết quả thi môn tiếng Anh cao, nhiều em đạt được chứng chỉ IELST, TOEFL một cách dễ dàng…, còn đại đa số thí sinh có mức điểm trung bình, chất lượng học tiếng Anh chỉ mang tính đối phó.

Hiện nay, nhiều nhà trường, địa phương đã khá chủ động, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm giúp học sinh được tham gia, trải nghiệm và thực hành tiếng Anh trong thực tế. Tuy nhiên, nếu cách giảng dạy vẫn thiên về ngữ pháp, hàn lâm, học sinh, sinh viên ít có cơ hội rèn luyện, phát triển kỹ năng, tự tin giao tiếp thì "nghe - nói thuần thục" xem ra vẫn là mục tiêu xa vời.

Bên cạnh đó, việc thả nổi "mạnh ai nấy học" tiếng Anh như hiện nay đang tạo cơ hội cho các trung tâm, cơ sở luyện thi IELST, TOEFL... kiếm tiền mà chưa biết chất lượng dạy và học thực chất đến đâu. Mới đây, việc một tổ chức quốc tế tham gia sâu vào đào tạo tiếng Anh ở các trường phổ thông có dấu hiệu “bất thường" lại gióng thêm hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ sở đào tạo khi lựa chọn đối tác giảng dạy tiếng Anh cho học sinh.

Việc thi và cấp bằng cho các đối tượng lấy chứng chỉ tiếng Anh (B1, B2), thậm chí Bằng Đại học ngoại ngữ cũng cần được rà soát và siết chặt bởi không ít người sở hữu chứng chỉ, bằng cấp tiếng Anh nhưng thực tế năng lực tiếng Anh không hề có.

Câu chuyện chất lượng dạy và học môn tiếng Anh phải thay đổi thế nào để đáp ứng được yêu cầu mà Kết luận 91 của Bộ Chính trị đã nêu là vấn đề ngành giáo dục phải đưa ra những giải pháp cụ thể.

Muốn việc dạy và học tiếng Anh thực sự chất lượng, cần tiến hành khảo sát năng lực của giáo viên tiếng Anh các cấp, mạnh dạn tuyển dụng giáo viên trẻ có cách giảng dạy sáng tạo, hấp dẫn học sinh. Mặt khác, phải tạo môi trường và nhu cầu sử dụng tiếng Anh thực sự. Xây dựng chương trình, sử dụng tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh trong các nhà trường là việc hoàn toàn phải tính đến.

Theo quy luật thông thường, học sinh sẽ đầu tư thời gian, tâm sức vào các môn thi bắt buộc, còn nếu môn học đó có thể thay thế hoặc được lựa chọn thì không ít em sẽ thờ ơ, thậm chí bỏ qua. Vì vậy trước mắt, quy định tiếng Anh là môn thi bắt buộc cũng là việc cần thiết.

Chất lượng dạy và học tiếng Anh thuộc về trách nhiệm của ngành giáo dục. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu quan trọng này, phụ thuộc rất nhiều vào những giải pháp mang tầm quốc gia. Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai phải gắn chặt với việc nâng cao kiến thức, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ và người lao động.