Ồn ào xung quanh việc học sinh lớp 9 phải đóng khoản tiền “tri ân nhà trường” chưa dứt thì xã hội lại xôn xao tranh cãi vì vụ việc một phụ huynh tố con phải ngồi nhìn các bạn liên hoan vì mẹ không đóng tiền. Gần nhất lại có thông tin gây bức xúc khi một số trường học ở Hà Giang thu khoản “hỗ trợ giám thị” và “mời cơm hội đồng thi tốt nghiệp”.
Những sự việc liên quan đến các khoản thu trong trường học dường như không có hồi kết. Trong khi, năm nào trước khi bước vào năm học, sở giáo dục các địa phương cũng ban hành các chỉ thị, hướng dẫn liên quan đến quản lý thu-chi đầu năm học để các nhà trường thực hiện cũng như phụ huynh có cơ sở để giám sát.
Mọi khoản thu do ban phụ huynh đứng ra đều trên danh nghĩa tự nguyện, là sự thống nhất giữa các phụ huynh dựa trên một mức đóng mà ban phụ huynh đề xuất. Nhưng nhiều khi “bằng mặt mà không bằng lòng” hoặc cá biệt có những phụ huynh nhất khoát không đóng góp những khoản mà họ cho là phi lý. Tất cả những điều đó trở thành những thị phi, những sóng ngầm đôi lúc bùng lên ở chỗ này hay chỗ khác.
Chuyện nhập nhằng tiền nong của người lớn diễn ra ngay trước mắt con em chúng ta. Nhưng có ai nghĩ trẻ sẽ cảm nhận thế nào, liệu những sự việc đó có khiến sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục giảm sút?
Quy định pháp luật cho phép xã hội hóa, vận động tài trợ cho giáo dục xuất phát từ nhu cầu khách quan trong bối cảnh ngân sách các địa phương eo hẹp và ai cũng muốn con em có được môi trường, điều kiện học tập, vui chơi, trải nghiệm tốt hơn. Nhu cầu đóng góp cho giáo dục cũng là nhu cầu có thật của rất nhiều mạnh thường quân, phụ huynh học sinh.
Nhưng làm thế nào để tự nguyện không trở thành bắt buộc, để phụ huynh không bức xúc vì các khoản đóng góp cho con đi học lại là vấn đề cần phải giải quyết thấu đáo bắt đầu bằng việc minh bạch thông tin.
Nhiều phụ huynh cho biết không ngại đóng góp trong khả năng nếu biết rõ tiền họ bỏ ra được được chi như thế nào, chi có đúng cho các hoạt động của con em họ?
Để chống việc Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành cánh tay nối dài cho các nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngàyngày 22 tháng 11 năm 2011 nêu rõ 7 khoản thu ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học.
Tuy nhiên, Thông tư không quy định tỷ lệ trích quỹ nộp về quỹ chung của nhà trường. Nên mới có chuyện, ở nhiều trường học, nộp về quỹ trường 7 phần, 3 phần giữ lại, không đủ để chi cho hoạt động của các con, Ban phụ huynh chỉ còn cách tăng mức đóng hoặc có thêm một quỹ riêng của lớp.
Vì thế nên mới có ý kiến đề xuất cần cân nhắc cả việc tồn tại của Ban đại diện cha mẹ học sinh, một tổ chức nhiều khi không dám lên tiếng và không đại diện được cho số đông phụ huynh như mục đích ban đầu.
Việc quy trách nhiệm cho hiệu trưởng các nhà trường khi để xảy ra lạm thu cũng cần phải làm quyết liệt chứ không chỉ “dọa” như cách các địa phương vẫn làm vào đầu năm học, để rồi những khoản thu cuối năm bỗng trở thành “giọt nước tràn ly”.