Đầu tháng 5/2024, khi mà tất cả cổng đăng ký dự thi vào lớp 10 của Hà Nội đã đóng, một số phụ huynh lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh, huyện Mê Linh tá hỏa khi con họ không có trong danh sách đăng ký dự thi. Các phụ huynh này cũng phản ánh con họ không được phát tờ đơn đăng ký dự thi và cũng không hề được giáo viên trao đổi, bàn bạc.

Cùng thời điểm, một số phụ huynh có con em học lớp 9 tại Trường THCS An Thượng, huyện Hoài Đức phản ánh được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu về việc xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với lý do đưa ra là sức học của các em này không được tốt.

Nhưng không chỉ Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh và một vài địa phương cũng xảy ra tình trạng bắt học sinh viết đơn tự nguyện hoặc ép không thi vào lớp 10. Điều bất thường cũng không chỉ mới xảy ra năm nay mà đã xuất hiện ở nhiều mùa thi trước.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 hết mùa thi này đến mùa thi khác dù từ các sở đến Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng có công văn chấn chỉnh?

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngoài các trường THPT công lập và tư thục còn có hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề. Chủ trương phân luồng sau THCS là chủ trương đúng đắn và cần thiết đối với cơ cấu nguồn nhân lực trong xã hội.

Cách thức thi hay thi kết hợp xét tuyển với chỉ tiêu định sẵn cũng không khó để chỉ khoảng 60-70% học sinh đỗ vào các trường THPT công lập.

Nhưng, không chờ cho kỳ thi quyết định, các giáo viên đã ép học sinh sớm dừng bước trước cuộc đua vào lớp 10 công lập, một động thái “thừa” theo suy đoán logic.

Nguyên nhân được cho là vì bệnh thành tích. Giáo viên sợ mất thành tích, mất vị thế với các giáo viên khác. Nhà trường sợ mất vị trí trong bảng vàng thứ tự các trường có học sinh thi đỗ. Thế nên, giáo viên, nhà trường phải tìm mọi cách từ vận động đến ép buộc học sinh có học lực trung bình không thi dưới danh nghĩa định hướng phân luồng học sinh.

Nhưng với việc ép buộc học sinh, giáo viên và nhà trường đã vi phạm quyền được học tập của người dân được quy định trong Luật Giáo dục 2019.

Điều 13 Luật Giáo dục 2019 đã quy định: "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình".

Việc lựa chọn một hướng học tập thông qua việc tham dự một kỳ thi chính là quyền của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em khi các em đủ điều kiện và có nguyện vọng.

Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Công văn 715 cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.

Bên cạnh thanh kiểm tra việc tuân thủ theo những quy định về thi cử, tuyển sinh đầu cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất cần thanh kiểm tra việc thực thi pháp luật về đảm bảo quyền được thi vào lớp 10 của học sinh. Đó cũng chính là bảo đảm quyền được học tập của các em!