Nghe chương trình tại đây:
90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến
Ông Đào Nhật Đình ở Hoàng Mai, Hà Nội, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Thời gian trong ngày ông chủ yếu ở nhà, đọc sách, nghiên cứu và tư vấn độc lập. Các thành viên trong gia đình từ vợ, con, ai mua hàng online thì cũng đều để số điện thoại của ông để tiện nhận hàng. Và vì vậy, ông cũng nhận được nhiều cuộc gọi lừa đảo.
"Nhiều nhất là gọi để thông báo tiền điện. Nó hỏi nhà bác ai là người đóng, bảo là tôi. Thế tháng này bác đóng chưa mà trên hệ thống cháu chưa ghi nhận" - ông kể.
Để có được thông tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo bắt đầu tạo niềm tin bằng cách yêu cầu ông kết bạn zalo để gửi hóa đơn gần nhất. Sau đó, tài khoản lạ sẽ gửi đường link với mục tiêu "để kiểm tra hộ". Đến bước này ông Đình biết ngay là lừa đảo.
Trong trường hợp khác, kẻ lừa đảo còn đọc đúng số căn cước công dân, thông tin cá nhân của nạn nhân. Theo ông Đình, nếu không "cứng bóng vía" thì rất dễ tin và nghe theo sự dẫn dắt của đường dây lừa đảo.

Người lớn tuổi thường có xu hướng tin tưởng vào người khác, đặc biệt khi kẻ lừa đảo giả danh người thân, cán bộ công an hoặc nhân viên ngân hàng. Sự tin tưởng này khiến họ dễ dàng thực hiện các yêu cầu như chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân mà không kiểm tra lại. Bà Nguyễn Thu Hiền ở quận Cầu Giấy Hà Nội kể lại lần suýt nữa bà tin vào cái trát truy nã kia.
Theo lời bà Hiền kể, cuộc gọi lạ thông báo bưu điện gửi phong thư đến địa chỉ cơ quan cũ của bà. Không có mặt tại đó nên bà nhờ bóc hộ phong thư để biết nội dung. "Nó bảo cái này là tòa án gửi khiếu nại cô vay 45 triệu động, quá hạn không trả,mấy tháng rồi".
Đối chiếu thời gian in trên giấy thông báo của tòa án thì nhận ra khi đó bà đã nghỉ hưu. Hơn nữa, người gửi phong thư kia lại khẳng định "bưu điện nằm trong thư viện Hà Nội". "Khi tôi thắc mắc sự vô lý này, nó bảo để cháu gửi cho cô đường link. Tôi không chấp nhận".
Bà Hiền ngay lập tức gọi cho thư viện Hà Nội để xác nhận và biết được nhiều người cũng đã gọi đến để hỏi. "Chứng tỏ nhiều người bị lừa, cùng kịch bản như nhau. Khi tôi gọi lại cho người giao hàng lúc nãy thì không liên lạc được" - bà Hiền nói.
Để cẩn thận hơn, bà Hiền còn ra tận ngân hàng để tra lại có khoản nợ đó. Thực tế, bà không có tài khoản ở ngân hàng này và lại càng không có khoản nợ như trên. Bà liền thông báo cho công an khu vực để lực lượng chức năng nắm tình hình.
Theo kết quả khảo sát của Google đầu năm 2024 về an toàn thông tin trực tuyến với người dùng Internet Việt Nam, 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% đã từng bị lừa đảo.
Khảo sát cũng cho thấy, 33% nhóm người dùng trên 55 tuổi mắc phải thói quen dùng mật khẩu đơn giản (chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi).
Khi nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền, nhiều người cao tuổi không biết cách xác minh tính xác thực của thông tin đó, dẫn đến việc dễ dàng bị lừa.
Theo ông Nhật Đình, để có thể “vượt qua” được các cuộc gọi lừa đảo, ông phải thường xuyên cập nhật thông tin qua phương tiện truyền thông chính thống và luôn phải cảnh giác với bất kỳ số lạ gọi đến. Cũng là người am hiểu công nghệ, ông nhận thấy các cuộc gọi lừa đảo, khi nhấc máy thường có độ trễ vài giây trước khi đầu dây bên kia cất tiếng nói. Tuy nhiên, chính ông Đình cũng thừa nhận không ai nắm tay được cả ngày.
"Cũng chẳng biết được đâu, ví dụ nó gọi đến đúng lúc mình đang cần thay đổi dữ liệu gì đó, thế là dễ tin ngay".
Nỗi cô đơn, sợ hãi, dễ tin người
Thạc sỹ, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Viết Hiền - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng kẻ lừa đảo am hiểu rất rõ từng đối tượng để thao túng tâm lý. Nói cách khác đó là tạo sự tin tưởng và làm theo hướng dẫn của đối phương.
-Thứ nhất, người già dễ bị lừa vì suy nghĩ chậm hơn. Tuổi tác làm cho trí nhớ, khả năng phân tích và đánh giá của con người không còn nhạy như thời trẻ. Nhiều cô bác tiếp nhận thông tin chậm hơn, khó phân biệt thật – giả, đặc biệt khi bị dồn dập, hối thúc. Kẻ lừa đảo biết rõ điều đó. Họ cố tình tạo áp lực – nào là “phải chuyển tiền ngay”, “nếu không sẽ bị công an xử lý”, hay “đây là cơ hội có một không hai”.
"Họ không cho người già đủ thời gian để suy nghĩ, để hỏi lại con cháu. Và chỉ cần một chút hoang mang, một cú bấm điện thoại, là họ đã chiếm đoạt được tiền" - Thạc sỹ Nguyễn Viết Hiền nói.

-Thứ hai, kẻ lừa đảo đánh vào cảm xúc của người già: cảm xúc sợ hãi, hy vọng, thương yêu. Kẻ lừa đảo rất giỏi “diễn kịch”. Họ giả làm công an gọi điện báo rằng người thân mình đang phạm tội. Nghe đến “công an”, nhiều cô bác sợ quá, không kịp hỏi gì, cứ làm theo. Có người thì bị lừa bằng những lời dụ dỗ “chữa bệnh nan y không cần thuốc”, “đầu tư lãi cao gấp 10 lần”, hay “được tặng quà trị giá hàng trăm triệu”… Ai chẳng mong sống lâu, khỏe mạnh, có thêm chút tiền để lo cho con cháu. Thậm chí có những kẻ giả làm con, cháu đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp. Trong giây phút thương con, thương cháu, người già dễ bị cảm xúc lấn át, quên mất việc phải kiểm tra lại. Đó chính là lúc kẻ gian ra tay.
-Thứ ba, kẻ lừa đảo tạo lòng tin giả bằng những chiêu trò quen thuộc. Không phải lúc nào lừa đảo cũng “đánh nhanh, rút gọn”. Có những vụ việc kéo dài cả tháng trời. Kẻ gian trò chuyện hàng ngày, gọi điện xưng cháu – bác, gửi hình ảnh, tâm sự chuyện gia đình, chuyện xã hội. Cô bác dần tin, nghĩ là người quen thật. Lúc ấy, khi họ nhờ chuyển tiền “giúp đỡ” hoặc rủ đầu tư, rất khó để nghi ngờ. Đây là kiểu thao túng tình cảm – rất nguy hiểm và khó lường.
-Thứ tư, người già thường cô đơn và ít cập nhật thông tin mới nên dễ bị kẻ lừa đảo thao túng tâm lý. Nhiều người cao tuổi sống một mình, ít được trò chuyện, ít dùng mạng xã hội nên không biết các chiêu trò lừa đảo đang lan rộng. Khi có người quan tâm, hỏi han, nhắn tin mỗi ngày – dù chỉ là qua điện thoại – họ dễ mở lòng. Kẻ gian lợi dụng chính sự cô đơn đó để lấy lòng tin và dần dần điều khiển hành vi.
-Thứ năm, kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý “muốn tự lo, không phiền con cháu” của người già. Đó là điều đáng quý nhưng cũng dễ bị lợi dụng: nhiều cô bác rất tự trọng, không muốn làm phiền con cháu, muốn tự mình giải quyết mọi việc. Kẻ lừa đảo thường nói kiểu như: “Cô đừng nói ai biết nhé, đây là chuyện bí mật”, “Cô cứ làm theo cháu, đảm bảo an toàn”. Khi người lớn tuổi không chia sẻ với ai, họ sẽ không có ai nhắc nhở hay cảnh báo. Và như thế, khả năng bị lừa càng cao.
"Nếu chẳng may người lớn tuổi đã bị lừa, điều đầu tiên cần làm là động viên và chia sẻ, chứ không trách mắng, bởi cảm giác xấu hổ và tự trách có thể khiến ông bà giấu kín ở lần sau" - chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Con cháu làm gì để giúp bố mẹ không bị lừa đảo?
Con cháu cần gần gũi, trò chuyện thường xuyên với ông bà. Sự cô đơn là "kẽ hở" lớn nhất mà kẻ lừa đảo lợi dụng. Khi có người chia sẻ thường xuyên, họ sẽ ít có xu hướng tin tưởng người lạ trên mạng.
Con cháu cần hướng dẫn ông bà nhận diện các chiêu lừa phổ biến. Không nên chỉ cảnh báo chung chung mà hãy kể cụ thể các ví dụ thực tế để ông bà dễ nhớ và cảnh giác.
Gia đình cần thiết lập “quy tắc 3 KHÔNG” cho ông bà. Có thể viết ra giấy, dán ở góc bàn hoặc đầu giường hoặc vị trí dễ quan sát.
• KHÔNG chuyển tiền cho bất kỳ ai qua điện thoại nếu chưa gọi lại kiểm tra (ưu tiên gọi video trò chuyện 1 khoảng thời gian đủ dài để nhận diện chính xác người gọi điện)
• KHÔNG cung cấp mã OTP, số tài khoản, thông tin cá nhân cho người lạ
• KHÔNG tin vào bất kỳ lời hứa “trúng thưởng”, “đầu tư sinh lời cao”, “chữa bệnh thần kỳ”
Ông bà sử dụng điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng, con cháu cần cài đặt công nghệ hỗ trợ cho ông bà: Đăng ký số điện thoại chống spam, chặn tin nhắn rác; Cài đặt ứng dụng lọc cuộc gọi lừa đảo (như Truecaller, hoặc tính năng chặn cuộc gọi lạ của iPhone/Samsung); Giúp ông bà bật xác thực 2 lớp cho các tài khoản quan trọng
Con cháu cùng ông bà phân tích các tình huống thực tiễn. Con cháu nên ngồi cùng ông bà nghe đài, xem ti vi, báo điện tử, hoặc các chương trình phổ biến về lừa đảo – như những phóng sự trên VOV, VTV hay YouTube. Khi cùng xem, cùng phân tích, ông bà sẽ hiểu vấn đề rõ hơn và nhớ lâu hơn.
(Chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền)