Nghe chương trình tại đây:

Không lương hưu, không bảo hiểm xã hội, bà Lê Thị Hồng, 66 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tự lo cho tuổi già của mình bằng gánh hàng bánh giò, trứng vịt lộn ở vỉa hè.

"Ông về hưu lương được 1,9 triệu còn chưa đủ cho ông. Tôi nghỉ thì lấy tiền đâu tiêu hàng tháng" - Bà Hồng nói, tay liến thoáng lấy bánh mời khách.

Thứ may mắn nhất là ông bà có nhà riêng, không ở chung với con cái, không phải đi thuê trọ. Căn nhà tập thể cũ chứng kiến tình yêu của ông bà bền son và già đi theo năm tháng. Chỉ có nỗi lo chật vật nhỡ ốm đau bệnh tật vẫn còn đó. “Càng thêm tuổi nỗi lo lại càng tăng lên” – bà Hồng nói. Con cái ở riêng, chẳng ai khá giả để chung tay thêm bớt nuôi cha mẹ già, vậy là "không làm cũng phải làm, tôi chẳng dựa vào đâu cả"- bà thủng thẳng.

Năm 2011, người cao tuổi Việt Nam chiếm 10% tổng số dân và chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự báo năm 2030, người cao tuổi là khoảng 17 triệu người, chiếm 17% dân số. Đến năm 2038, tỷ lệ này sẽ đạt 20% và khi đó, nước ta được gọi là có dân số già.

Cũng theo kết quả Tổng điều tra, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Còn một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.

Một ngày làm việc của bà Hồng bắt đầu từ 6 giờ sáng, ngồi đến 10 giờ trưa, buổi chiều từ 3 rưỡi đến 6 rưỡi chiều. Hôm nào hàng ế, bà nấn ná ngồi lại bên hông nhà thờ một chút, chờ xem có khách đi qua... Ông Chi, chồng bà ngồi trên chiếc xe máy ngay gần đó, thi thoảng ngó về phía vợ xem bà có cần hỗ trợ gì không.

"Từ sáng đến giờ được 2 cuốc rồi, mỗi cuốc 20 nghìn. Tôi ở đây người ta quen thì đi thôi, chứ giờ người ta không đi xe truyền thống nữa" - ông chia sẻ. Ở tuổi 70, ông không thể đi nhanh như các tay lái trẻ, ông đi chậm và an toàn nên khách chủ yếu là người quen, ít ai mặc cả và cũng chủ yếu đi đoạn đường ngắn.

Đường phố Hà Nội về chiều đông đúc và tấp nập. Những chiếc xe ôm công nghệ đặc trưng với màu áo của hãng đang chở khách ngược xuôi vụt qua mắt ông. "Không đông khách nhưng ra đây nhìn người qua lại vẫn vui hơn, có thêm chút đỡ đần cho bà xã" - ông khoe thứ ông yên tâm nhất là khoản lương hưu gần 2 triệu và bảo hiểm y tế.

"Mỗi tháng chúng tôi sẽ cần 4 triệu/ người" - bà Hồng nói. Đó là tiền thuốc men, dù không ốm vẫn phải uống thuốc tiểu đường, xương khớp, đau đầu...

Người ta thường dùng những tính từ “cô đơn” “lạc lõng” hoặc “nhàn rỗi” để nói về tuổi già nơi đô thị. Nhưng có lẽ, nó chỉ dành cho gia đình thực sự có điều kiện. Với những người như ông Chi, bà Hồng, thời gian đâu mà nghĩ đến “cô đơn” “tủi phận”, thời gian trong ngày chỉ mong trời đừng mưa to, khách đừng vắng, bản thân đừng bệnh trọng… thế là an là vui rồi.

5 giờ chiều, học sinh, sinh viên tan học. Gánh hàng bánh giò, trứng vịt lộn của bà Hồng đông khách hơn. Người đưa cháu đi ăn, người già đi tập thể dục cũng dừng lại ăn lót dạ và nói chuyện. Mặt bà Hồng rạng rỡ.

"Ở nhà còn chết nữa, không làm gì đầu óc ì trệ đi. Bán hàng mình phải tính toán, trò chuyện, người nó cũng nhanh nhẹn hơn" - bà nói sau nhiều năm đúc kết.

Bà Thái Thị Lan ở phường Hàng Bông tập tễnh bước chân trên vỉa hè. Do vội vàng đưa cháu nhỏ đi học, chiếc chân chống xe máy quệt ngang vào bàn chân khiến ngón chân cái bị thương. Ai hỏi công việc của bà là gì, bà đều thông thả: đưa cháu đi học. Gọi là "công việc" bởi bà được "trả lương" như đi làm, lĩnh tiền đầu tháng.

"Mỗi tháng con cho mấy triệu, giờ mình già rồi không làm được gì nữa thì hỗ trợ con cái nhưng cũng có đồng ra đồng vào" - bà tâm sự. Ở tuổi ngoài 60, không thể xin việc ở đâu được nữa, chăm sóc cháu cho con vừa khiến bà bận rộn, vừa vui hơn vì mình vẫn còn có ích. "Nhà tôi không ai “nghỉ hưu”. Chị gái tôi 90 tuổi vẫn bán hàng… Mình đi làm mới khôn người lên được. Dĩ nhiên ai chả muốn an nhàn, được đi tập thể dục, tham gia các câu lạc bộ".

Những câu chuyện đó không xa lạ với xã hội nước ta khi tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh trong khi xuất phát điểm nền kinh tế thấp, khiến chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội dân số già, cả về phía cơ quan quản lý và mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đa số người cao tuổi có nhu cầu làm việc không biết tìm việc làm ở đâu. Còn những người có việc thì chủ yếu nhờ vào sự giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: bảo vệ, giúp việc gia đình, buôn bán nhỏ.

Chúng ta thường bàn đến hướng nghiệp cho các cháu học sinh, vấn đề việc làm cho thanh niên trong độ tuổi lao động nhưng chưa nhiều những bàn luận về việc làm cho người cao tuổi. Đây có lẽ là khoảng trống cần bàn sâu hơn nữa và chính mỗi người cũng cần có sự chuẩn bị./.

Ở các nước phát triển, người cao tuổi vẫn tham gia lao động như làm chỉ dẫn ở sân bay, bến xe, sắp xếp hàng ở siêu thị…Họ xem đó là việc hết sức bình thường. Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy, năm 2023, khoảng 1/5 số người dân Mỹ từ 65 tuổi trở lên vẫn làm việc, gần gấp đôi con số cách đây 35 năm. Xu hướng già hóa dân số được dự đoán sẽ tiếp diễn trong những thập niên tới khi tuổi thọ trung bình tăng lên và tỷ lệ sinh giảm. Số người lao động lớn tuổi gia tăng sẽ tác động đến thị trường lao động cũng như việc điều chỉnh các chính sách an sinh, xã hội.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dẫn lời Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc Chính sách công của Hiệp hội Những người hưu trí Mỹ (AARP), Tiến sĩ Debra Whitman cho rằng, quan điểm đánh giá tình trạng già hóa dân số sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trong tương lai là sai lầm. Các nước có thể tối ưu hóa tiềm năng của lực lượng lao động lớn tuổi.

Theo Tiến sĩ Debra Whitman, người lao động lớn tuổi có thể có những đóng góp quan trọng vào năng suất, tăng trưởng nếu người sử dụng lao động nhận ra giá trị của nhóm người lao động này và áp dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp. Những người lớn tuổi cũng như những người phụ thuộc sẽ được hưởng sự bảo đảm tài chính lớn hơn. Các công ty sẽ mạnh mẽ hơn nhờ kinh nghiệm, sự ổn định, kỹ năng và kiến ​​thức của những nhân viên lâu năm.

Theo khuyến nghị của OECD, việc lập các kế hoạch linh hoạt, chế độ làm việc từ xa, nghỉ hưu theo từng giai đoạn, các chương trình chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ phép và những ngày nghỉ ốm được trả lương có thể kéo dài thời gian làm việc của người lao động thêm nhiều năm. Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi, bởi nhiều bí quyết, kỹ năng thường chỉ có ở những người lao động lớn tuổi giàu kinh nghiệm.

(Tham khảo từ nhiều nguồn)