Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Nước ta hiện đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Bộ Y tế dự báo đến năm 2038, nước ta sẽ trở thành nước có dân số già với độ tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20%.
Dân số già là thành tựu của quá trình phát triển, vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và lối sống của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội. Trước nguy cơ “già trước khi giàu”, chúng ta cần có chiến lược để nắm bắt và thích ứng, biến thách thức thành cơ hội.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25%, nghĩa là cứ 4 người thì có một người cao tuổi. Tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số. Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch TW Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, với đặc trưng người cao tuổi nhiều hơn trẻ em, già hóa dân số sẽ mang lại những thách thức như tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, các vấn đề biến động quy hoạch, thay đổi cách học tập, lao động sản xuất, cách ứng xử của cá nhân, gia đình, xã hội...
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Tạp chí Cộng sản, già hóa dân số đặt ra thách thức không nhỏ về mặt kinh tế, văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Dân số già không chỉ gây nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai mà còn làm suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, tốc độ già hóa dân số nhanh còn gây sức ép lớn với hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí.
“Khi số lượng người cao tuổi gia tăng, mức sinh giảm đi khiến cơ cấu dân số biến đổi, số lượng người trong độ tuổi lao động giảm đi, số lượng người phụ thuộc tăng lên. Từ đó tác động tới cơ cấu lao động và nền kinh tế” – bà Mai Anh phân tích thêm.
Nhận thức được xu hướng già hóa dân số là tất yếu, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là hệ thống trợ giúp xã hội nhằm ứng phó với xu hướng này. Tuy nhiên, trước tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi.
Bên cạnh những thách thức, già hóa dân số mang đến những cơ hội như hình thành các thị trường mới, thu hút đầu tư vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội cho người cao tuổi. Theo ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch TW Hội Người cao tuổi Việt Nam, để chuyển hóa các thách thức mà già hóa dân số mang lại, việc xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực đóng vai trò quan trọng để giải quyết và khai thác hiệu quả vấn đề già hóa dân số.
Ông Hùng khẳng định: “Chúng ta cần phải có những nghiên cứu, trao đổi, cung cấp thông tin, luận cứ khoa họa, đề ra những chính sách về dân số, an sinh xã hội, tăng trưởng gắn với già hóa dân số”.
Nhằm tuyên truyền tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số nhanh ở nước ta, mới đây, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Già hóa dân số Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”.
Hội thảo khoa học là diễn đàn trao đổi về vấn đề già hóa dân số nhanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, cung cấp luận cứ khoa học - thực tiễn, đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế, hoạch định chính sách phù hợp trong thời kỳ mới, đóng góp vào bảo đảm an sinh xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững.
PGS.TS Trần Viết Lưu, cán bộ Ban Đối ngoại TW Hội Người cao tuổi Việt Nam cung cấp thêm thông tin: “Hội người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản xây dựng Báo cáo chắt lọc trình Ban Bí thư, trình Thủ tướng chính phủ tham khảo để xem xét, ban hành chủ trương, chính sách mới. Trong đó có xây dựng Chiến lược quốc gia về người cao tuổi và xem xét đưa vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng”.
Trước tình hình dân số già nhanh, các nhà hoạch định chính sách cần phải tính đến các nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng với già hóa dân số, chuẩn bị cho một xã hội có dân số già cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội. Nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, nước ta sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy “Trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, bệnh tật”./.