Trong truyền thống lịch sử, văn hóa và đạo đức của người Việt Nam từ xưa đến nay, người cao tuổi luôn giữ vị trí và vai trò quan trọng. Bằng trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm, các cụ luôn tích cực tham gia công tác mặt trận ở cơ sở, trở thành chỗ dựa tin cậy của chính quyền địa phương và người dân.

Theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 656.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở; hơn 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở… Như tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, toàn bộ 92 chi bộ ở khu dân cư đều có người cao tuổi tham gia. Trong số này, nhiều người cao tuổi được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân vận… Bằng uy tín và những hành động cụ thể, các cụ đã huy động được sức mạnh từ nhân dân. Có thể kể đến là ông Nguyễn Hữu Sơn. Với trách nhiệm của người cao tuổi, ông luôn gần dân để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đó, ông vận động người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, giữ gìn đường phố sáng xanh sạch đẹp… khi chính quyền cơ sở thực hiện chỉ đạo từ cấp trên. Đề cập những việc làm của mình, ông Sơn chia sẻ: “Người cán bộ dân vận muốn thành công thì việc làm phải xuất phát từ dân, trọng dân và vì dân”.

Từ khi nghỉ công tác tại một cơ quan nhà nước, ông Trần Minh Huân, ở phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội cũng đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ 1 của phường. Với trách nhiệm của người cao tuổi, đồng thời là đảng viên, ông thường gương mẫu trong mọi hoạt động. Như trong việc xây dựng tuyến phố văn minh, tổ dân phố văn hóa, để khích lệ người dân thực hiện, bản thân ông và các thành viên trong gia đình luôn thực hiện đúng các quy định. “Làm công tác dân vận không khó nhưng cũng không dễ. Để thuyết phục người dân, người làm công tác này phải có tâm, có tầm và có uy. Bản thân luôn sâu sát để hiểu được nguyện vọng của người dân, cùng chung tiếng nói với người dân. Khi thực hiện chủ trương gì, tôi cũng luôn gương mẫu”, ông Huân chia sẻ.

Tại một số địa phương, có những việc nếu không có sự gương mẫu, khéo léo của người cao tuổi trong công tác dân vận có thể sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn. Câu chuyện về việc vận động người dân thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh, là một minh chứng rất sống động.

Với trách nhiệm của người đứng đầu Chi bộ thôn An Hiền, ông Trần Quang Huy đã tạo được sự đồng thuận, huy động được sức mạnh của lòng dân để biến những việc khó thành dễ. Như việc ông Huy vận động người dân hiến đất xây dựng khu vui chơi, thể dục thể thao cho người dân trong thôn. Ông Huy cho biết khu đất này tuy là đất nông nghiệp nhưng có vị trí “đắc địa”. Để huy động sự chung tay của người dân vì lợi ích chung làm rất khó. “Khu đất nằm ở ngay giữa làng. Vận động người hiến đất đã khó rồi nhưng khi họ đồng ý thì lại không biết lấy đâu ra chi phí đề đền bù hoa màu. Lúc đó, tôi phải bỏ tiền của mình ra ứng trước. Mình phải chớp cơ hội khi người dân đồng tình. Lúc đó không làm ngay, người dân thay đổi ý định thì sẽ không bao giờ làm được”, ông Huy chia sẻ.

Có những việc tưởng chừng khó nhưng với quyết tâm và cách vận động khéo léo, ông Huy vẫn “biến điều không thể thành có thể”. Đó là việc vận động người dân quy tập hàng trăm ngôi mộ nằm rải rác ngoài cánh đồng về tập trung vào một khu nghĩa trang. “Năm 2014, thôn An Vọng quy tập hơn 300 ngôi mộ. Đây là việc làm rất khó, vì liên quan đến vấn đề tâm linh, chỉ cần 1-2 hộ không đồng tình di chuyển, quy tập mộ thì cũng không làm được. Chúng tôi làm được do chúng tôi tuyên truyền theo cách mưa dầm thấm lâu. Chúng tôi viết tâm thư gửi đi thuyết phục, xin ý kiến của cả những người con làm ăn xa quê”, ông Huy kể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Với sự từng trải, người cao tuổi không chỉ khéo mà còn có uy tín trong cộng đồng. Bằng tinh thần trách nhiệm, các cụ vẫn đang phát huy sức mạnh của nhân dân, qua đó đóng góp vào sự phát triển của xã hội ở mỗi địa phương.

Nghe bài viết dưới đây: