Người trên 65 tuổi không người thân tại Nhật Bản dự kiến sẽ tăng 1,5 lần vào năm 2050, chiếm 10% nhóm nhân khẩu, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Nhật Bản.

Trong đó, người không có con cháu, họ hàng thân thích sẽ lên gần 4,5 triệu người. Họ sẽ không có ai bảo lãnh ở bệnh viện, viện dưỡng lão và khi qua đời không có ai tiếp nhận thi thể.

Tính đến năm 2024, Nhật Bản có hơn 36 triệu người già, chiếm 29% tổng dân số. Trong đó, số người không thân thích khoảng 2,9 triệu.

Tỷ lệ kết hôn giảm cùng dân số già hóa được cho là nguyên nhân của hiện tượng trên. Viện Nghiên cứu dân số và an ninh xã hội Nhật Bản ước tính người già (người trên 65 tuổi) sẽ chạm mốc 39 triệu người vào năm 2050.

Để khắc phục một phần vấn đề này, Bộ luật Dân sự đã đặt trách nhiệm hỗ trợ cho những người thân có phạm vi huyết thống cấp độ ba (cháu gọi là cô, chú, bác...).

Ở Nhật, việc có người bảo lãnh là rất quan trọng bởi viện dưỡng lão và cơ sở y tế đều yêu cầu sự có mặt của nhân thân để cung cấp dịch vụ. Dự báo số người già không có họ hàng cần chăm sóc lâu dài theo bảo hiểm xã hội sẽ tăng từ 340.000 lên 590.000 vào năm 2050. Mặt khác, người già không thân nhân đang chuyển sang sử dụng dịch vụ chăm sóc tư nhân. Chính phủ Nhật đã ban hành quy định chung để tránh cách vấn đề tiềm ẩn ở những cơ sở này.

Tình trạng này được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Ước tính số người từ 65 tuổi trở lên không có con sẽ tăng gấp đôi, từ 4,6 triệu năm 2024 lên 10,3 triệu vào năm 2050. Trong nhóm đó, số người chưa từng kết hôn dự kiến sẽ tăng từ 3,7 triệu lên 8,3 triệu.

Trong một số trường hợp, người cao tuổi cũng không thể dựa vào người thân do mối quan hệ căng thẳng của họ. Số liệu của Viện nghiên cứu Nhật Bản cho thấy những người trên 65 tuổi không thể trông chờ vào sự giúp đỡ tài chính từ người thân trong trường hợp khẩn cấp có khả năng tăng từ 7,9 triệu người vào năm 2024 lên 8,9 triệu người vào năm 2050.

Nguồn: Vnexpress.net (Theo Japan Today)