Thật lòng và làm đến nơi đến chốn

Ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai, huyện Minh Long, người dân thường nhắc đến ông Đinh Lố, dân tộc Hrê) với sự quý trọng và tin tưởng. Không chỉ là Người có uy tín trong cộng đồng, ông còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế và luôn sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm, giúp bà con cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông hiện có mô hình nuôi bò sinh sản hiệu quả với chuồng trại kiên cố và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Lúc cao điểm, đàn bò của gia đình lên đến hơn 10 con, mang lại thu nhập ổn định. Đặc biệt, ông là người tiên phong trong việc di dời chuồng trại ra xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường và giữ gìn nếp sống văn minh.

Không chỉ nuôi bò, ông Lố còn tận dụng đất vườn xung quanh cây ăn quả như chuối, đu đủ, chanh, bưởi… kết hợp chăn nuôi và trồng trọt để tạo thành mô hình kinh tế vườn hiệu quả.

“Muốn bà con tin và làm theo, trước tiên mình phải làm gương, từ chuyện thực hiện chủ trương, chính sách cho đến sản xuất, chăn nuôi. Chỉ cần mình thật lòng và làm đến nơi đến chốn thì bà con sẽ nghe”, ông Lố chia sẻ.

Cũng là người có uy tín tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở Minh Long, ông Hà Viết Sỹ, xã Thanh An, từng bước đưa gia đình thoát nghèo nhờ cải tạo đất vườn, đầu tư chăn nuôi trâu, đào ao nuôi cá và trồng các loại cây ăn quả. Ngoài ra, ông Sỹ còn tận dụng nguồn nước suối gần nhà để phát triển mô hình nuôi cá rô phi và cá trắm, mang lại nguồn thu ổn định.

“Phải làm trước, làm cho ra kết quả thì mới có tiếng nói với bà con. Mình mà chưa làm được, chưa gương mẫu trong gia đình, thì sao vận động người khác nghe theo”, ông Sỹ trải lòng.

Để góp phần thực hiện tốt các chủ trương và dự án trên địa bàn, ông Sỹ cùng với lực lượng Người có uy tín, già làng và trưởng thôn đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để vận động người dân tham gia hiến đất, góp công sức để thực hiện các dự án, trong đó nhiều nhất là các công trình đường giao thông.

Theo ông Sỹ, trong những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách và các Chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Minh Long chuyển biến tích cực. Thay đổi này không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh kế của bà con so với trước kia.

Gìn giữ giá trị riêng truyền thống

Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Hà Văn Sỹ còn góp phần đắc lực trong việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa của đồng bào Hrê. Khách đến chơi nhà, ông mang bộ chiêng cũ ra khoe. Đó là tài sản vô giá mà cha ông truyền lại. Dù có nhiều người mong muốn đổi bằng trâu, bò để sở hữu bộ chiêng ấy, nhưng ông kiên quyết từ chối.

“Tôi mong muốn sưu tầm các nhạc cụ dân gian như chiêng ba, vinh vút, chiêng kala và các làn điệu dân ca của đồng bào mình, một phần là để gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, phần muốn giúp những người trẻ thêm yêu và đam mê với những thanh âm của ông cha mình để lại”, ông Sỹ nói.

Ông Sỹ còn sáng tác nhiều ca khúc về đồng bào Hrê, về quê hương Minh Long. Năm 2023, bài hát “Minh Long ngày mới” của ông đã đạt giải B tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài sáng tác, ông còn trực tiếp hướng dẫn, biên đạo cho các tiết mục của đội văn nghệ địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua lời ca, tiếng hát.

Còn tại xã Long Mai, già ông Đinh Văn Xếp là người có uy tín tiêu biểu. Ông có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ nghề đan lát truyền thống của người Hrê. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, già Xếp vẫn say mê công việc đan lát.

“Tôi học nghề đan lát từ khi còn là thiếu niên. Ngày xưa, ai giỏi nghề này thì hay được các cô gái để ý. Giỏ hay gùi tre không chỉ là vật dụng mà còn là món quà thể hiện sự khéo léo và tình cảm của người Hrê”, già Xếp cho hay.

Theo già Xếp, nghề đan lát không chỉ đơn giản là công việc mà còn là cách để thể hiện sự tinh tế và mối quan hệ gắn bó giữa các thế hệ trong cộng đồng. Dù hiện nay, những vật dụng công nghiệp như thau nhựa, rổ inox dần thay thế sản phẩm đan lát, nhưng với già Xếp, nghề đan lát vẫn có giá trị riêng của nó. Với già, nghề đan lát là cách để duy trì những giá trị văn hóa lâu đời, giữ gìn những nét đẹp của cộng đồng mình.

Không chỉ ông Lố, ông Sỹ hay già Đinh Văn Xếp, mà hàng chục người có uy tín khác trên địa bàn huyện Minh Long vẫn đang lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng. Mỗi người một cách, họ chính là những “điểm tựa” vững chắc của đồng bào DTTS nơi vùng cao Quảng Ngãi.

Nguồn: baodantoc.vn