Cách đây 49 năm, vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của quân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. 49 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại sự kiện lịch sử vĩ đại này, ai nấy đều cảm thấy tự hào về một đất nước anh hùng. Chúng ta cùng ôn lại chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam và liên tiếp giành thắng lợi. Cuối tháng 4/1975, với sự phối hợp tác chiến của các lực lượng, quân binh chủng, quân chủ lực và quân dân địa phương, quân ta đánh chiếm các mục tiêu quan trọng theo kế hoạch, tiến vào giải phóng Sài Gòn với sức mạnh như vũ bão.

Ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh này được truyền đi khắp chiến trường như một làn sóng cổ vũ tinh thần chiến đấu và quyết tâm chiến thắng của toàn thể quân và dân ta.

Đại tá Đậu Xuân Tường, cựu chiến binh Sư đoàn 470 nhớ lại: “Sư đoàn có nhiệm vụ củng cố cầu đường, bến phà để các binh khí kỹ thuật miền Bắc tập kết vào Xuân Lộc, Đồng Xoài, chuẩn bị cho chiến dịch Xuân năm 1975”. Trong đó ba đơn vị đảm nhiệm vai trò quan trọng là: Trung đoàn 4, trung đoàn 574 và trung đoàn 575 áp tải các binh khí kỹ thuật vào tận cửa ngõ Sài Gòn.

Quân ta nổ súng mở đầu chiến dịch vào lúc 17h ngày 26/4/1975. Năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn. Từng binh đoàn xuất phát từ nhiều địa bàn và những thời điểm khác nhau, đi trên nhiều trục đường và bằng nhiều phương tiện, nhưng tất cả đều hành quân với tinh thần “thần tốc”, thi đua tiến nhanh về Sài Gòn. Đại tá Vũ Trình Tường, chiến sĩ Sư đoàn 571 kể: Các sư đoàn xe vận chuyển người, vũ khí, lương thực, thực phẩm dọc tuyến đường Trường Sơn cũng di chuyển “thần tốc” để kịp đáp ứng yêu cầu chiến dịch.

“Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, tất cả quân đoàn, sư đoàn đều ngồi trên xe của Trường Sơn, tiến vào Sài Gòn. Cuộc hành quân “thần tốc” được chia thành hai hướng: Một hướng Tây theo đường Trường Sơn qua Lào, một hướng nữa theo đường 1 vào Lộc Ninh tập kết. Trưa ngày 30/4, chiến sĩ của Sư đoàn 571 có mặt ngay tại thời khắc 11h30 tại Dinh Độc Lập” - Đại tá Vũ Trình Tường hồi tưởng lại những ngày tháng lịch sử của đất nước.

Bước sang ngày thứ hai của Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm cánh quân của ta đã tiêu diệt được nhiều chủ lực của địch, đánh chiếm và làm chủ nhiều căn cứ quan trọng, bao vây cô lập Sài Gòn, tạo thế có lợi để thực hành tổng tiến công vào nội đô.

Trước sức mạnh tiến công thần tốc của quân giải phóng, đêm 28/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân đồng loạt tiến công vào sáng ngày hôm sau. Đại tá Thái Khắc Thế, cựu chiến binh Binh đoàn 559 chia sẻ, đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chính quyền Sài Gòn:

“Khi có lệnh thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, toàn bộ Bộ tư lệnh tập trung vào chiến dịch. Các lực lượng xe sẵn sàng vận chuyển, các lực lượng pháo có mặt để bảo vệ đội quân vào. Tôi là người được giao nhiệm vụ lập các kế hoạch che chắn, giấu quân, đảm bảo an toàn cho các lực lượng” - Đại tá Thái Khắc Thế cho biết thêm.

Phối hợp với các hướng tiến công dũng mãnh của quân giải phóng, các binh đoàn tham gia chiến dịch trên năm hướng tiến công tuyến phòng thủ vùng ven, phá vỡ các mắt xích vòng ngoài của quân đội Sài Gòn, tạo điều kiện cho Tổng tiến công đồng loạt vào sào huyệt đối phương.

Thực hiện mệnh lệnh Tổng tiến công, Quân đoàn 3, Binh đoàn Tây Nguyên được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công phía Tây Bắc Sài Gòn với nhiệm vụ là đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Đồng Dù, Củ Chi. Căn cứ Đồng Dù khi đó được quân đội Việt Nam Cộng Hoà ví như “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn.

Cựu chiến binh Ngô Văn Hải, chiến sĩ Sư đoàn 320 trực tiếp chiến đấu tại Đồng Dù cho biết, chỉ trong năm giờ đồng hồ, ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Căn cứ Đồng Dù bị phá tan, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu tiến thẳng về nội đô.

“Căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 “Tia Chớp Nhiệt Đới” của Mỹngày xưa án ngữ đường phía Tây Bắc Sài Gòn, phải giải phóng căn cứ này thì đại quân mới đi qua được đó và tiến vào Sài Gòn. Sư đoàn 320 có nhiệm vụ giải phóng căn cứ Đồng Dù, nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ” - cựu chiến binh Ngô Văn Hải tự hào khi giành thắng lợi ở Đồng Dù.

Các đơn vị xe tăng, thiết giáp và xe cơ giới quân ta ào ào tiến vào, đi tới đâu cờ đỏ sao vàng của Mặt trận giải phóng dân tộc tung bay tới đó. Ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập.

“Tôi đánh từ Trảng Bàng, Tây Ninh, sau đó giải phóng Thủ Dầu Một. Sau xuống dưới Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An. Theo quốc lộ 4, từ Sài Gòn xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đánh về Sài Gòn đến 11h30 Dương Văn Minh đầu hàng, tôi có mặt tại quận 6 Sài Gòn” - ông Nguyễn Đức Mai, cựu chiến binh Sư đoàn 4, Quân đoàn 4 không quên giây phút chiến thắng, chấm dứt 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn.

Đúng 11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân Giải phóng tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

Đại thắng Mùa xuân năm 1975 là trang sử vàng chói lọi, là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Từ đây non sông thu về một mối, Nam Bắc một nhà, nước Việt Nam đã hoàn toàn hòa bình, thống nhất, độc lập.